Kiên Giang thực hiện nhiều giải pháp nâng giá trị khai thác thủy sản

Tỉnh Kiên Giang đang tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khai thác thủy - hải sản biển, cơ cấu lại ngành nghề, tạo điều kiện và hỗ trợ tàu cá của ngư dân ra khơi đánh bắt an toàn, bền vững và hiệu quả.
Kiên Giang thực hiện nhiều giải pháp nâng giá trị khai thác thủy sản
Đội tàu khai thác thủy sản ở Kiên Giang.

Năm 2021, tỉnh Kiên Giang kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định hiện hành, vận động, khuyến cáo ngư dân đầu tư nâng cấp các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong khai thác thủy sản và bảo quản sản phẩm sau khai thác, nhằm giảm sử dụng nguồn lao động trên tàu, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm khai thác.

Tỉnh tiếp tục thực hiện Dự án hợp tác với Nhật Bản thí điểm ứng dụng công nghệ bảo quản sản phẩm hải sản bằng đá sệt và bể cá FRP (bể cá nhựa composite).

Cùng đó, tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp khắc phục thẻ vàng của EC, Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành theo quy định trong nước và phù hợp với các quy định theo thông lệ quốc tế, nhằm tiến tới chấm dứt khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU), nhất là tình trạng tổ chức đưa tàu cá khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài của ngư dân Kiên Giang.

Hiện tỉnh Kiên Giang thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực khai thác thủy - hải sản biển, cơ cấu lại ngành nghề này, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tàu cá của ngư dân ra khơi đánh bắt an toàn, bền vững và hiệu quả.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, tỉnh tập trung thực hiện hiệu quả dự án điều tra các nghề khai thác vùng biển ven bờ, vùng lộng biển Kiên Giang, sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác thủy - hải sản biển hợp lý.

Trên cơ sở tính toán lại sản lượng khai thác tối ưu của vùng bờ, vùng lộng và vùng khơi, tỉnh cũng đề ra các giải pháp sắp xếp lại, cơ cấu nghề khai thác theo từng vùng, bố trí số lượng tàu cá phù hợp, kết hợp tăng cường với việc quản lý, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

Tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm những vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản như sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ và nghề, ngư cụ cấm… Các địa phương vận động doanh nghiệp, chủ tàu cá và ngư dân phối hợp, chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong lĩnh vực khai thác thủy sản, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản.

Tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), tăng cường giải pháp quản lý để ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, rà soát, kiểm tra đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá theo quy định và theo khuyến nghị của Đoàn Thanh tra EC.
Tỉnh cũng chỉ đạo Ban Quản lý cảng cá, bến cá tạo mọi điều kiện về thủ tục cho các phương tiện tàu cá ra, vào cảng cá thuận lợi; đồng thời khảo sát để có kế hoạch nạo vét luồng lạch tại Cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành). Đơn vị chức năng tỉnh thực hiện trình tự thủ tục đăng kiểm, cấp phép khai thác thủy sản đơn giản và nhanh nhất, tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp, chủ tàu cá.

Tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng hữu quan tham mưu cho tỉnh thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo Nghị định 67 của Chính phủ hỗ trợ cho chủ tàu cá, ngư dân theo quy định, nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, chủ tàu cá và ngư dân, đưa tàu vươn khơi khai thác đánh bắt an toàn, bền vững, hiệu quả.
Kiên Giang là một trong những tỉnh có đoàn tàu cá lớn nhất trong cả nước, trong đó có 3.995 tàu khai thác xa bờ, sản lượng khai thác hải sản dẫn đầu cả nước. Năm 2020, sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh ước hơn 572.000 tấn, đạt 115,57% kế hoạch, bằng 95,32% so cùng kỳ.

Mặc dù sản lượng khai thác này tăng hơn 15% so kế hoạch, nhưng lần đầu tiên hoạt động khai thác thủy sản của tỉnh tốc độ tăng trưởng âm khoảng 5% nên dự báo trong thời gian tới hoạt động khai thác thủy sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân chủ yếu do ngư trường ngày càng cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, ngư dân hoạt động sản xuất khai thác đánh bắt thua lỗ phải cho tàu cá nằm bến, vẫn còn các ngư dân vi phạm khai thác IUU…
Đến thời điểm này, tỉnh Kiên Giang có gần 3.700/3.992 tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định.

Nguyên nhân tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hình trình trên tàu cá chậm so tiến độ quy định do các tàu nằm bờ không đi khai thác, không lắp thiết bị thì các trường hợp này đa số chủ tàu có khả năng tài chính yếu, đồng thời tình hình khan hiếm lao động trong thời gian qua cũng ảnh hưởng đến khả năng hoạt động trở lại của tàu cá, một số tàu cá đang được ngân hàng quản lý chưa được hóa giá, sang tên hoạt động trở lại nên việc lắp thiết bị đối với nhóm tàu này còn chậm.

(Theo BNews)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục