Kiên Giang: Phát triển nuôi hải sản theo hướng bền vững

Giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Kiên Giang phát triển nuôi hải sản biển theo hướng bền vững, tạo sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế biển, tăng thu nhập cho người dân.

Kiên Giang là một trong 28 tỉnh, thành phố trên cả nước có biển, với diện tích vùng biển 63.290km2, bờ biển dài 200km, hơn 143 hòn đảo lớn nhỏ. Trong đó, 43 đảo có người dân sinh sống, Phú Quốc là đảo lớn nhất, với diện tích 593km2.

Biển Kiên Giang là một trong những ngư trường có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển thủy sản. Lĩnh vực kinh tế này ngày càng phát triển khá toàn diện, bền vững, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Kiên Giang phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, hiện đại, đảm bảo môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biển, hải đảo phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó, góp phần tích cực tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, tạo sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế biển, tăng thu nhập cho người dân. 

Kiên Giang Phát triển nuôi hải sản theo hướng bền vững
Nuôi trồng thuỷ sản tại Kiên Giang

Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Kiên Giang có 7.500 lồng nuôi biển, trong đó nuôi cá lồng truyền thống 4.700 lồng, nuôi cá lồng công nghệ cao 1.900 lồng, nuôi thủy sản khác 900 lồng.

Diện tích mặt nước nuôi lồng 7.000ha (nuôi trai ngọc 100ha), nuôi nhuyễn thể 24.000ha. Sản lượng nuôi biển đạt 113.530 tấn; trong đó, nuôi lồng bè 29.870 tấn, nuôi nhuyễn thể 83.660 tấn và ngọc trai 260.000 viên. Giá trị sản xuất đạt 7.546 tỷ đồng, thu hút lao động vào lĩnh vực nuôi biển 18.510 người.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, tỉnh phân vùng nuôi biển đối với vùng hải đảo bao gồm: Thành phố Phú Quốc, huyện đảo Kiên Hải và các xã đảo Tiên Hải (thành phố Hà Tiên), Sơn Hải và Hòn Nghệ (Kiên Lương).

Vùng này phát triển nuôi cá lồng bè như cá mú, cá bớp, cá chim vây vàng, cá chẽm… và nuôi thủy sản khác như tôm hùm xanh, tôm tít, ghẹ, trai ngọc… Vùng ven biển bao gồm thành phố Hà Tiên, các huyện Kiên Lương, Hòn Đất, An Minh và An Biên, phát triển nuôi các đối tượng nhuyễn thể như sò huyết, sò lông, hến biển, vẹm xanh, hàu…

Ngoài ra, tỉnh khai thác tiềm năng và sử dụng hợp lý, có hiệu quả mặt nước nuôi biển nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tăng quy mô, năng suất, sản lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, tỉnh thực hiện tái cơ cấu toàn diện khai thác hải sản, sắp xếp lại đội tàu theo hướng không tăng thêm số lượng, giảm dần tàu công suất nhỏ khai thác đánh bắt ven bờ. Kiên Giang xây dựng các đội tàu mạnh khai thác xa bờ và khai thác viễn dương theo chương trình hợp tác của Chính phủ, đi đôi với sắp xếp, cơ cấu lại nghề cá ven bờ; ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp; nghiêm cấm và xử lý nghiêm hoạt động khai thác mang tính tận diệt. Tỉnh tăng cường bảo vệ, tái sinh, phục hồi nguồn lợi hải sản gần bờ, đi đôi với thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân. 

Bên cạnh đó, tỉnh phát triển nuôi biển thành lĩnh vực sản xuất quy mô công nghiệp tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ xuất khẩu, du lịch và tiêu thụ nội địa. Chuyển đổi các mô hình nuôi biển quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu sang nuôi biển công nghiệp, quy mô lớn với công nghệ hiện đại, phát triển bền vững.

(Theo DNHN)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục