Nửa đầu năm nay, ngành thủy sản ghi nhận nhiều kỷ lục về doanh số, xuất khẩu, tăng trưởng, tiêu thụ… Kết quả tích cực này được thể hiện phần nào trong bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản trên sàn chứng khoán.
Mùa bội thu
Thống kê của VietstockFinance cho thấy trong quý 2/2022, tổng doanh thu của hơn 20 doanh nghiệp ngành thủy sản trên cả 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM đạt trên 16.78 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 6 tháng đạt 30.6 ngàn tỷ đồng, tăng gần 34%.
Doanh thu tăng mạnh, trong khi giá vốn hàng bán tăng ít hơn, cộng với doanh thu tài chính cao gấp đôi cùng kỳ đã giúp cho lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp tăng vọt. Riêng quý 2 đạt hơn 1.66 ngàn tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ; lũy kế 6 tháng đạt 2.9 ngàn tỷ đồng, gấp 3.3 lần cùng kỳ.
Thủy sản MeKong (HOSE: AAM) và Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (HOSE: ABT) là 2 doanh nghiệp đứng đầu về tăng trưởng doanh thu trong quý 2 khi đạt 67.5 tỷ và 178.3 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 6 tháng cũng tăng gấp đôi với 123.3 và 311.6 tỷ đồng.
Xét về con số tuyệt đối, có 4 doanh nghiệp đạt doanh thu trên ngàn tỷ. Cụ thể, “nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) đạt mức cao nhất trong nhóm với hơn 4.2 ngàn tỷ đồng, tăng trên 80%. Theo sau là CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia - IDI (HOSE: IDI), Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC), Nam Việt (HOSE: ANV) cùng tăng trưởng 2 con số, đạt lần lượt gần 2.4, 1.4 và gần 1.3 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu của “vua tôm” Minh Phú (UPCoM: MPC) lại thụt lùi 7% khi đạt 2.7 ngàn tỷ đồng.
Kết quả lợi nhuận gộp cho thấy các doanh nghiệp đạt gần 3.1 ngàn tỷ đồng trong quý 2, lũy kế 6 tháng hơn 5.4 ngàn tỷ đồng, đều gấp đôi cùng kỳ năm trước.
ABT, ANV, IDI, VHC hay Camimex Group (HOSE: CMX) là những điểm sáng trong tăng trưởng lợi nhuận gộp với mức tăng đều trên 100% trong quý 2.
Thủy sản MeKong (HOSE: AAM) cũng đã thoát lỗ trong quý 2 năm nay khi có khoản lợi nhuận gộp hơn 15 tỷ đồng nhờ vào doanh thu tăng mạnh.
Riêng CTCP Chế biến Thủy sản Xuất khẩu Minh Hải (UPCoM: JOS) là doanh nghiệp hiếm hoi trong ngành bị lỗ khi giá vốn ăn mòn hết sạch doanh thu trong kỳ.
Hưởng lợi từ tỷ giá và trái ngọt cổ tức
Doanh thu tài chính cũng ảnh hưởng phần nào trong tình hình kinh doanh của nhóm thủy sản. Thống kê của người viết cho thấy, các doanh nghiệp thủy sản trong quý 2 thu về gần 457 tỷ đồng doanh thu tài chính, gấp 3.2 lần cùng kỳ năm trước. Trong khi đó chi phí tài chính tăng khoảng 97%, lên 662 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp có được khoản thu tài chính tăng đáng kể trong quý 2 nhờ vào lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái đã thực hiện và đánh giá lại các khoản có gốc ngoại tệ cuối kỳ như VHC và Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Cần Thơ (UPCoM: CCA). Trong đó, VHC có doanh thu tài chính 107 tỷ đồng, gấp 2.2 lần cùng kỳ; CCA là 8.3 tỷ đồng, gấp xấp xỉ 10 lần cùng kỳ.
Ngoài tỷ giá, một vài doanh nghiệp còn được hưởng cổ tức từ các công ty thành viên. Đơn cử như MPC có khoản cổ tức từ các công ty thành viên mà doanh thu tài chính đạt hơn 205 tỷ đồng, cùng kỳ chỉ đạt 19.6 tỷ đồng. ABT có 16 tỷ đồng từ cổ tức FMC, đưa doanh thu tài chính đạt hơn 18 tỷ đồng, cùng kỳ chỉ 590 triệu đồng.
Những con số kỷ lục về lợi nhuận
Lợi nhuận ròng quý 2 của nhóm thủy sản trên sàn ghi nhận trên 1.66 ngàn tỷ đồng, gấp 3.3 lần cùng kỳ năm trước. Tính chung nửa đầu năm, con số này đạt 2.9 ngàn tỷ đồng, tương ứng hơn gấp 3.3 lần cùng kỳ.
Có 13/21 doanh nghiệp đạt lợi nhuận ròng tăng trưởng trong kỳ với các mức tăng đều trên 50%. ABT, ANV, IDI tiếp tục là những dấu ấn tích cực nhất ngành với tăng trưởng lợi nhuận xấp xỉ trên 10 lần cùng kỳ, đạt lần lượt 32 tỷ, 240.7 tỷ và 224 tỷ đồng.
Quán quân lợi nhuận trong quý 2/2022 thuộc về VHC, đạt 784 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, doanh nghiệp này đạt trên 1.33 ngàn tỷ đồng, tăng 240% và chiếm hơn 45% lợi nhuận cả nhóm.
Thành quả của VHC, IDI, FMC đều là những con số lợi nhuận quý kỷ lục kể từ khi niêm yết đến nay. ABT cũng đánh dấu mức lợi nhuận cao nhất 12 năm trở lại, hay CMX có mức lãi gộp cao nhất từ khi lên sàn chứng khoán, CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (UPCoM: AGF) là quý có lợi nhuận trở lại kể từ cuối năm 2020.
Cơ hội đi kèm khó khăn
Theo đánh giá của VASEP, năm 2022, nhu cầu của các thị trường bùng nổ sau 2 năm kìm nén vì đại dịch COVID-19, sản xuất nội địa không đủ đáp ứng. Đặc biệt xung đột Nga - Ukraine dẫn đến nhiều lệnh trừng phạt kinh tế và thương mại của các nước lên Nga, trong khi Nga là nguồn cung thịt trắng lớn nhất cho EU. Việc thiếu nguyên liệu cá, thịt trắng trước bối cảnh lạm phát tăng kỷ lục tại EU sẽ là cơ hội lớn cho mặt hàng cá tra Việt Nam.
Mặt khác, thuế quan ưu đãi EVFTA càng phát huy lợi thế cho cá tra Việt Nam sang EU trong năm 2022.
Chuyên gia ngành tôm Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch FMC nhận định kim ngạch xuất khẩu tôm năm nay sẽ cao hơn năm trước, ít nhất 10%. Thành quả nửa đầu năm sẽ là nền tảng để ngành tăng tốc. Ông Lực cho biết, năm nay ngành tôm phấn đấu đạt 1 triệu tấn thương phẩm. Mức này còn phụ thuộc thời tiết ở 6 tháng cuối năm, nhưng có căn cứ để đạt được. Đó là chuỗi hợp tác nuôi mới giữa nhà cung ứng, ngân hàng, đại lý và người nuôi ngày càng thể hiện tích cực, rõ nét hơn.
Dù vậy, ngành tôm vẫn chịu một số áp lực xuất khẩu, nhất là thị trường Mỹ, khi phải cạnh tranh với tôm giá rẻ từ Ấn Độ và Ecuador, bên cạnh tôm không thuế chống bán phá giá từ Indonesia. Theo đó, ông Lực hướng sự chú ý đến thị trường mục tiêu Nhật Bản, khi thị phần nhiều năm qua và nửa đầu năm nay được cải thiện, nhất là các doanh nghiệp lớn như MPC, FMC…
Tôm xuất sang Nhật Bản đòi hỏi chế biến tỉ mỉ, cầu kỳ… điều này khiến năng suất không cao, mức tăng sản lượng không mạnh, nhưng phù hợp trong bối cảnh tôm hiện nay, ông Lực nhận định. Ngoài ra, chi phí cước tàu tới Nhật Bản không cao so với các tuyến vận chuyển xa sang Mỹ, EU, sẽ không làm tăng ảo giá bán, giúp việc tiêu thụ thuận lợi. Mặt khác, EU và Mỹ đang rơi vào khủng hoảng lạm phát và chiến tranh Đông Âu, trong khi mức lạm phát tại Nhật thấp hơn, đây cũng là một lợi thế cho việc tiêu thụ tôm.
Nhận diện khó khăn của ngành thủy sản 6 tháng cuối năm, trong công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, VASEP cho hay, hiện các doanh nghiệp thủy sản đang gánh nhiều khoản chi phí tăng khiến chi phí sản xuất đầu vào, giá thành sản phẩm tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của ngành hàng.
Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng chiếm 70% nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, các doanh nghiệp đều có nhu cầu mở rộng các vùng nuôi tập trung. Tuy nhiên việc đô thị hóa ở các địa phương gây nên các biến động từ quy hoạch đất cho sản xuất và những quy hoạch về sử dụng đất đang là thách thức lớn cho doanh nghiệp thủy sản lẫn người nuôi thủy sản.
Về nhập khẩu, VASEP cho rằng, các chính sách khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu thủy sản cho sản xuất, xuất khẩu còn thiếu, các thủ tục vẫn còn khó khăn, vướng mắc; các thủ tục Chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản khai thác còn nhiều bất cập.
Tính tới tháng 6/2022, EU vẫn chưa gỡ thẻ vàng IUU cho thủy sản Việt Nam. Vì vậy, VASEP đề nghị Nhà nước cần có chính sách đầu tư hạ tầng nghề cá và nâng cao năng lực thực thi quản lý tàu thuyền, khai thác biển.
Mỹ Hạnh (Theo Vietstock)