Chi phí logistics tăng vọt, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lo thua lỗ

Giá cước vận tải tăng cao và tình trạng thiếu container rỗng khiến các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gặp khó, vì chi phí phát sinh lớn, có DN lợi nhuận giảm gần 40%.

Theo Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từ đầu năm đến nay, giá cước vận tải liên tục tăng cao, có nơi tăng gần gấp 6 lần. Giá cước vận tải tăng phi mã, đặc biệt là các chuyến vận tải đường dài. Ví dụ, cước tàu đi Toronto hay đi St. Petersburg đều tăng gấp 3 lần so với cuối năm 2020. Vì vậy, dù có đơn hàng xuất khẩu, nhưng lợi nhuận doanh nghiệp vẫn giảm mạnh.

"Theo ước tính của doanh nghiệp, từ đầu năm nay, lợi nhuận của doanh nghiệp giảm khoảng từ 30 - 40% so với cùng kỳ năm 2020. Cước tàu đã tăng nhiều. Phần tăng rất là lớn so với cái phần lợi nhuận của mình trước đây. Mình có tăng giá lên thì cũng không thể nào bù lại phần chênh lệch cước nhiều như vậy", ông Huỳnh Thanh Lĩn, đại diện doanh nghiệp Thủy sản tại Khánh Hòa, cho hay.

Chi phí logistics tăng vọt doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lo thua lỗ
Lợi nhuận của các doanh nghiệp thủy sản giảm khoảng từ 30 - 40% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhiều đơn hàng, doanh nghiệp đã sản xuất ra sản phẩm, nhưng không thể xuất khẩu được vì không thuê được container rỗng, làm phát sinh rất nhiều chi phí lưu kho, lưu bãi. Ngoài ra, nếu không thể giao hàng đúng hạn thì doanh nghiệp sẽ chịu các khoản phạt, thường từ 5 đến 10 % giá trị của lô hàng.

"Không chỉ khó khăn về tiền tàu, mà phí lưu kho tăng, lưu công, lưu bãi tăng, phí ngân hàng tăng, mọi thứ, các chi phí giao dịch trong công ty tăng khiến công ty chế biến hải sản không có hiệu quả và lỗ. Sáu tháng đầu năm nay, chúng tôi đối diện lỗ nhưng vẫn cố duy trì sản xuất", bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam, cho biết.

Được biết, 90% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào hãng tàu nước ngoài, vì chưa có doanh nghiệp logistics quốc tế có chuyến tới châu Âu và châu Mỹ. Vì vậy, quyền thuê tàu và chi trả giá cước vận tải thuộc về đối tác nước ngoài nên chủ doanh nghiệp Việt Nam cũng không thể tác động vào giá của chuỗi vận tải quốc tế.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ: "Hiện nay, liên minh các hãng tàu nước ngoài vẫn đang chi phối trong vận tải biển. Trước mắt, các doanh nghiệp, bao gồm lĩnh vục thủy sản phải sống chung với khó khăn này".

Để khắc phục, các doanh nghiệp lớn thường ký hợp đồng vận chuyển dài hạn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính ít, sẽ chịu rủi ro tăng giá cước theo biến động thị trường.

Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, trong thời gian tới sẽ làm việc với các doanh nghiệp châu Âu, châu Mỹ và các hãng tàu, đề nghị ổn định giá vận chuyển để có thể khai thác lâu dài thị trường tiềm năng tại Việt Nam; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá của hãng vận tải nước ngoài theo quy định hiện hành để bình ổn giá cước.

(Theo VOV)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục