Bình Định: Thiếu lao động nghề biển

Cùng với những hạn chế do đánh bắt theo kinh nghiệm, tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động có trình độ kỹ thuật, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả khai thác hải sản trên biển.

Thiếu “bạn” đi biển

Ông Nguyễn Văn Lãnh, ở KV 11, phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), có 2 chiếc tàu làm nghề mành vây rút chì, mỗi chuyến biển từ 10 - 20 ngày cần đến 11 - 12 lao động, chia sẻ: “Mỗi khi chuẩn bị chuyến biển mới, tui phải chạy từ Quy Nhơn ra đến Hoài Nhơn để tìm “bạn”, và phải ứng trước một khoản tiền 3 - 4 triệu đồng/người để họ đi biển cho mình. Giờ tui đang vay vốn đóng mới thêm 1 chiếc tàu vỏ composite công suất 450 CV, tàu thì chưa đóng nhưng vẫn lo thiếu bạn nghề”.

Anh Giã Chiến Huy, chủ tàu cá BĐ 91416 TS, cũng ở phường Hải Cảng, bộc bạch: “Sau Tết Nguyên đán là thời điểm rất khó có bạn đi biển, các chủ tàu phải chạy đôn chạy đáo tìm, thậm chí phải chấp nhận những người chưa từng làm nghề biển để có đủ bạn cho chuyến biển đầu năm”.

Ông Mai Ngọc Hải, ở thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải (huyện Phù Cát), chủ tàu vỏ thép công suất 811 CV, làm nghề chụp mực, cho hay: “Mỗi chuyến biển, tàu của tôi phải đủ 14 - 15 lao động, nhưng nay tìm người ở địa phương khó lắm, hầu hết bạn đi biển cho tôi đều ở các nơi khác. Chuyến biển nào kẹt lắm không đủ bạn thì đi 10 - 11 người nhưng lao động vất vả hơn, sản lượng đánh bắt cũng ít đạt”.

Nghề đánh bắt xa bờ đã khó tìm bạn, nghề đánh bắt gần bờ lại càng khó hơn. Ông Phạm Hữu Phước, làm nghề lưới vây rút trủ, ở thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), cho biết: “Tìm được bạn đã khó, tìm được lao động trẻ lại càng khó hơn vì nghề biển vất vả, thu nhập bấp bênh nên giới trẻ đi làm các nghề khác, hoặc đi xuất khẩu lao động có thu nhập cao hơn”…

Cần có giải pháp

Theo thống kê của ngành Thủy sản, toàn tỉnh có 6.434 tàu cá, tổng công suất trên 1,78 triệu CV, trong đó, tàu cá công suất trên 90 CV chiếm 57%, còn lại là tàu dưới 90 CV; với khoảng 45.000 lao động nghề biển. Phần lớn tàu cá Bình Định là tàu vỏ gỗ; trong 2 năm gần đây, ngư dân đóng thêm 47 tàu vỏ thép, 8 tàu vỏ composite. Sản lượng khai thác hải sản hằng năm đạt hơn 200 ngàn tấn. Từ đầu năm 2017 đến nay, ngư dân trong tỉnh khai thác ước đạt 197,4 ngàn tấn.

Ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết: Nghề đánh cá của nước ta hiện nay là nghề cá nhân dân (người dân làm kinh tế hộ gia đình là chính). Việc đánh bắt phụ thuộc vào kinh nghiệm, kỹ năng, truyền thống của từng địa phương nên trình độ của ngư dân nhìn chung còn thấp; phương tiện, công nghệ khai thác và bảo quản chưa đáp ứng được yêu cầu trong khai thác đánh bắt hiện đại, hiệu quả đạt thấp.

Cũng theo ông Bình, việc thiếu hụt lao động nghề biển là do số lượng tàu thuyền phát triển quá nhanh, cộng vào đó là sự chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn diễn ra mạnh mẽ. Những năm qua, Nhà nước luôn có chính sách quan tâm hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn, hỗ trợ nhiên liệu, đào tạo tập huấn thuyền trưởng, máy trưởng… nhưng lao động nghề biển vẫn thiếu trầm trọng và tình trạng này xảy ra trong cả nước, không riêng gì tỉnh ta. Về lâu dài, cần có chính sách giảm bớt số lượng tàu thuyền, đặc biệt là nghề cá ven bờ; đào tạo chuyên môn hóa, ứng dụng công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại… giảm bớt sức người để giải quyết tình trạng thiếu lao động nghề biển như hiện nay.

(Theo báo Bình Định)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục