Bảo đảm an toàn nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa bão

Những năm gần đây, nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh trở thành hướng phát triển kinh tế hiệu quả, làm giàu cho hàng chục nghìn hộ dân. Song mỗi mùa mưa bão đến, nguy cơ tràn bờ, thất thoát lại trở thành mối lo ngại thường trực của người nuôi trồng.

Là một trong những hộ nuôi thủy sản thâm canh với quy mô lớn của xã Trường Giang (Nông Cống), ngay từ khi bắt đầu vào mùa mưa bão, gia đình anh Lê Thế Hưng, ở thôn 7 đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho diện tích nuôi của gia đình. Anh Hưng cho biết: Gia đình có hơn 1 ha nuôi thủy sản, với các loại cá rô phi đơn tính, chép lai 3 máu, mè, trôi và trắm cỏ. Để bảo đảm an toàn cho ao nuôi vào mùa mưa bão, gia đình đã chủ động kiểm tra bờ bao và gia cố thêm các điểm xung yếu cho chắc chắn; bổ sung vitamin và khoáng chất nhằm tăng sức đề kháng cho cá.

Xã Trường Giang hiện có diện tích 164,6 ha nuôi trồng thủy sản; trong đó, nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến 95,5 ha và các hộ ngoài đê nuôi chủ yếu tôm sú, cua, cá... Giá trị bình quân hằng năm từ việc nuôi thủy sản mang lại ước đạt từ 250 - 320 triệu đồng/ha. Với đặc điểm địa hình thấp, vào mùa mưa bão, ao, đầm trên địa bàn xã phải đối mặt với nguy cơ sạt lở, tràn bờ, gây thiệt hại về kinh tế cho người nuôi. Bước vào mùa mưa bão năm 2022, xã Trường Giang tiến hành rà soát các vùng có nguy cơ bị ngập úng để chủ động triển khai biện pháp bảo vệ; tổ chức nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy; chỉ đạo cán bộ phụ trách nông nghiệp, nhân viên thú y xã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nuôi trồng thủy sản chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ thủy sản. Trong đó, chú trọng công tác tu sửa, gia cố những đoạn bờ bị xuống cấp và cống tiêu, thoát nước; theo dõi và bổ sung oxy giúp giải phóng khí độc, hạn chế mầm bệnh trong ao nuôi vào mùa mưa bão.

Chú thích ảnh

Người dân xã Trường Giang (Nông Cống) chăm sóc, bổ sung thức ăn cho thủy sản

Không riêng gì xã Trường Giang mà hiện nay, hầu hết các địa phương có diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh cũng đang tích cực triển khai các biện pháp bảo vệ thủy sản nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra. Những năm qua, với nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh, sản xuất thủy sản tiếp tục phát triển, từng bước đa dạng hóa về chủng loại nuôi trồng; các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và diện tích nuôi thâm canh được áp dụng rộng rãi; nhiều giống cá mới có năng suất, chất lượng được đưa vào nuôi trồng đem lại nguồn thu nhập cho người dân. 7 tháng năm 2022, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 118.135 tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ; trong đó sản lượng khai thác 76.346 tấn, giảm 0,7%; sản lượng nuôi trồng 41.789 tấn, tăng 6,7% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, hiện nay, nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản của các địa phương trong tỉnh nằm trong vùng sản xuất đa canh, hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố tràn bờ, ngập úng khi có mưa to kéo dài, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng con nuôi thủy sản và gây thiệt hại cho người nuôi. Vì vậy, để bảo đảm an toàn và giảm thiểu thiệt hại thấp nhất do thời tiết gây ra đối với sản xuất thủy sản trong mùa mưa bão, ngay từ đầu mùa mưa bão năm 2022, các huyện, thị xã, thành phố, đã xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong đó có phương án phòng, chống úng nội đồng. Các huyện ven biển đã tổ chức kiểm kê, rà soát các vùng nuôi trồng thủy sản, hệ thống kênh, trạm bơm tiêu chống úng khu vực nuôi trồng thủy sản nhằm chủ động các biện pháp ứng phó khi có mưa to, bão lớn xảy ra.

Chú thích ảnh

Tỉnh Thanh Hóa đang tích cực triển khai các biện pháp bảo vệ thủy sản nhằm hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra

Chi cục Thủy sản phối hợp với các cơ quan chuyên môn, cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân thường xuyên kiểm tra, tu bổ, đắp áp trúc lại bờ ao, bờ vùng khu vực nuôi thủy sản bảo đảm chắc chắn, phát quang cây cối, tạo đường thoát nước mưa nhanh; đặt lưới chắn xung quanh bờ ao để ngăn thủy sản thoát ra ngoài, đặt lưới chắn hình chữ V trước cống xả tràn để tăng diện tích thoát nước khi có lũ lụt lớn xảy ra; tháo bớt nước trong ao trước các đợt mưa, lũ lớn, chuẩn bị các dụng cụ, vật tư cần thiết để dự phòng; kiểm tra, gia cố lại hệ thống lồng bè, dây neo, phao lồng và di chuyển vào nơi kín gió, có dòng chảy nhẹ để tránh gió bão làm hỏng; trong trường hợp lồng không thể di chuyển, cần hạ độ sâu của lồng để giảm bớt sóng, gió; thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước, hướng dẫn người dân có các biện pháp bảo vệ ao, đầm nuôi thủy sản khi có mưa to, gió lớn. Tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi, nạo vét hệ thống mương tiêu để bảo đảm tiêu thoát nước kịp thời. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn ngư dân các biện pháp gia cố, bảo vệ bờ, cống... hướng dẫn người nuôi thủy sản thu hoạch trước mùa mưa, lũ nếu tôm, cá đạt kích cỡ thương phẩm nhằm hạn chế thất thoát, thiệt hại kinh tế khi bão, lũ xảy ra; thường xuyên kiểm tra và áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho con nuôi thủy sản khi thời tiết thay đổi.

Thùy Linh (Theo báo Thanh Hóa)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục