Theo Chi cục Thủy sản Kiên Giang, tỉnh hiện còn 295 tàu cá không khả năng lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và thuộc diện xoá đăng ký, loại trừ như: phương tiện nằm bờ ngừng hoạt động, hư hỏng, chìm, cháy, nước ngoài bắt giữ, ngân hàng quản lý…
Tàu đánh bắt hải sản trên vùng biển Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN
Tuy nhiên, ngành chức năng tập trung kiểm tra, rà soát việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá đối với số tàu này và toàn bộ đoàn tàu thuộc diện phải lắp đặt thiết bị, nhằm đảm bảo theo dõi, giám sát, kiểm soát được 100% tàu cá hoạt động trên biển.
Cùng với đó, tỉnh tập hoàn thành đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định, kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra, vào cảng, các cửa sông, cửa biển và tăng cường xử lý tàu vi phạm phát hiện qua hệ thống giám sát hành trình tàu cá.
Qua theo dõi hệ thống giám sát hàng ngày, ngành chức năng phát hiện thực hiện cuộc gọi đối với tàu cá vượt ranh giới trên biển quay về vùng biển Việt Nam, không sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Đồng thời, phát hành văn bản cảnh báo đối với tàu vượt ranh giới trên biển, tàu cá mất kết nối với hệ thống giám sát và cung cấp thông tin đề nghị các lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra, xác minh nhóm tàu cá có dấu hiệu, nguy cơ vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Mặc dù vậy, trên ngư trường vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng chủ tàu cá, thuyền trưởng khi đưa tàu ra khơi khai thác đánh bắt tháo gỡ thiết bị giám sát hành trình gửi sang tàu khác. Hoặc, gửi trên các bè nuôi cá lồng trên biển của ngư dân, hay gửi vào bờ làm cho thiết bị giám sát hành trình tàu cá mất kết nối với hệ thống hoặc có kết nối nhưng ở cùng một vị trí trong thời gian dài. Từ đó, ngành chức năng không thể theo dõi, giám sát, kiểm soát được 100% tàu cá hoạt động trên biển.
Tỉnh Kiên Giang vẫn kiên quyết thực hiện các giải pháp trọng tâm để ngăn chặn hiệu quả, không để xảy ra tình trạng tàu cá ngư dân vi phạm IUU, làm ảnh hưởng đến kết quả chống IUU chung của tỉnh và cả nước.
Cụ thể, tỉnh tập trung rà soát, khoanh vùng, lập danh sách các đối tượng, nghề khai thác, địa bàn trọng điểm tại địa phương… đã vi phạm và có nguy cơ cao vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài để tăng cường theo dõi, nắm tình hình chặt chẽ, triển khai đồng bộ giải pháp ngăn chặn, xử lý.
Ngành chức năng phối hợp với địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cộng đồng ngư dân và các thành phần có liên quan không thực hiện hành vi vi phạm; đề cao tinh thần ngăn chặn, tố giác các hành vi vi phạm; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân cố tình đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Đến thời điểm này, tỉnh cơ bản đã ngăn chặn được tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Từ tháng 9/2021 đến nay, không có trường hợp tàu cá nào vi phạm IUU khi kiểm tra tại các cảng cá, bến cá; số tàu cá vi phạm về các thủ tục hành chính khi ra vào các trạm kiểm soát Biên phòng giảm đáng kể so với trước đây.
Từ đầu năm 2022 đến nay, sản lượng khai thác thủy sản trên ngư trường của Kiên Giang giảm 6,78% so với cùng kỳ, chỉ đạt 35,6% kế hoạch, tương đương 173.776 tấn.
Tỉnh đã quy định phân vùng khai thác đánh bắt gồm ven bờ, lộng và khơi; đồng thời quy định vùng cấm khai thác quanh năm nhằm khôi phục, tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên ngư trường; phân cấp vùng ven bờ cho huyện, thành phố ven biển quản lý.
Bảo Ngọc (Theo Thông tấn xã Việt Nam)