Doanh nghiệp thủy sản miền Bắc lo bị phạt chậm đơn hàng, mất khách

Những tháng cuối năm được coi là thời điểm tăng tốc xuất khẩu của ngành thuỷ sản. Tuy nhiên, siêu bão Yagi khiến các doanh nghiệp thuỷ sản tại miền Bắc thiệt hại nặng nề. Nhiều doanh nghiệp thủy sản lo không đủ đơn hàng giao cho khách, thậm chí bị phạt và bêu tên trên thị trường xuất khẩu.

Chú thích ảnh

8 tháng đầu năm xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cho thấy những tín hiệu tích cực với mức tăng trưởng ấn tượng. Theo số liệu Tổng cục Hải quan cho thấy tháng 8 xuất khẩu thuỷ sản tăng 20%, đạt xấp xỉ 953 triệu. Luỹ kế 8 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đã vươn lên gần 6,3 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ.

Nguy cơ lỡ hẹn với đơn hàng lớn

Các doanh nghiệp thuỷ sản cho hay, sang quý III xuất khẩu thủy sản tiếp tục ghi nhận tín hiệu khả quan khi ngay đầu quý III nhiều đơn hàng được ký kết và đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Với đà này, các doanh nghiệp kỳ vọng mục tiêu 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024 của ngành thủy sản dễ dàng đạt được.Tuy nhiên, gần một tuần trôi qua kể từ thời điểm cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào nước ta, nhưng thiệt hại do cơn bão gây ra đang khiến nhiều doanh nghiệp gần như mất trắng do ảnh hưởng của bão lũ, nguồn nguyên liệu cũng bị nước lũ cuốn trôi, khó khăn chồng chất khó khăn. Hoạt động sản xuất thủy sản đối diện với hàng loạt khó khăn khi nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh tan hoang sau thiên tai.

Ông Nguyễn Hoài Nam, phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho biết nhiều doanh nghiệp ở Quảng Ninh, Hải Phòng bị thiệt hại nặng khi nhà xưởng, nhà máy bị tốc mái; hệ thống điện hỏng kéo theo hàng đông lạnh bị ảnh hưởng.

Ước tính sơ bộ tại các địa phương, tổn thất về tài sản của các nhà máy sản xuất ít nhất từ 300 - 400 triệu đồng, có nhà máy thiệt hại 1-2 tỷ đồng, thậm chí có nhà máy tổn thất lớn lên đến gần 100 tỷ đồng.

Chị Ngô Thị Thuý, Khu phố Thống Nhất 2, xã Tân An (Quảng Ninh) cho hay, gia đình chị đầu tư 60 ô nuôi cá, mỗi ô có khoảng 500 con tại Cẩm Phả và 45 ô cá tại bến Giang, thiệt hại của gia đình chị Thuý lên tới 12 tỷ đồng. Qua một đêm bão, những gì còn lại chỉ là ít cá con giữ được tại lồng.

Tương tự, hộ sản xuất của gia đình ông Vũ Văn Cường, Khu 3 Tân An, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) nuôi 3 bè cá để cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản của địa phương. Tuy nhiên, cơn bão Yagi đi qua đã “quét sạch” vùng nuôi trồng của gia đình ông Cường, ước tính thiệt hại gần 14 tỷ đồng. “Có những nhà bên cạnh thiệt hại 20, 30 tỷ đồng. Hiện nay chúng tôi chưa biết làm cách nào để khôi phục được diện tích nuôi thuỷ sản như trước đây. Chưa kể khoản vay nợ ngân hàng cũng không biết trả cách nào”, ông Cường nói.

Tại các nhà máy chế biến thuỷ hải sản của nhiều doanh nghiệp cũng rơi vào cảnh tan hoang khi cơn bão Yagi đi qua. Công ty TNHH Việt Trường (Hải Phòng) có 3 nhà máy thì 2 nhà máy gần như tan hoang. Các xưởng sản xuất, kho xưởng bao bì, thức ăn viên bị tốc mái và đổ; bao bì bị ướt.

Nguyên liệu công ty nhập khẩu về đang phải tạm lưu container tại cảng, chấp nhận chịu chi phí lưu kho và điện cắm tại cảng. Doanh nghiệp dự kiến phải tạm dừng hoạt động 20 ngày để có thể đảm bảo các điều kiện sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc STP Group cho biết, khu vùng nuôi của công ty tại Quảng Ninh bị đứt và trôi đi hết. Các thiết bị computer công ty gắn tại các lồng nuôi đều bị đánh chìm và không hoạt động được. Mặc dù tới giờ, công ty xác định được định vị của các thiết bị này nhưng vẫn chưa đi trục vớt được để kiểm tra xem còn hoạt động được không. Công ty bị mất toàn bộ lưới neo, phù du, sinh vật, nhiều cá lớn cỡ khoảng 40kg/con cũng bị trôi. Ước thiệt hại của công ty khoảng gần 10 tỷ đồng.

Không chỉ thiệt hại lớn về tài sản, các doanh nghiệp còn đang đối mặt với nguy cơ không thể thực hiện các đơn hàng xuất khẩu theo đúng thời hạn do cơ sở nhà xưởng, thiết bị, máy móc, điện, nước bị hư hỏng, đình trệ khiến hoạt động sản xuất bị ngưng lại làm ảnh hưởng đến đơn hàng và nguy cơ bị khách hàng phạt tiền là những tổn thất về cơ hội kinh doanh chưa thể tính được hết.

Một doanh nghiệp thuỷ sản tại Hải Phòng cho hay, theo hợp đồng đã ký kết, cuối tháng 9 doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu tôm nguyên con sang thị trường Hàn Quốc. Tuy nhiên, 5 bè nuôi tôm và cá của doanh nghiệp này đã bị bão cuốn trôi. "Chúng tôi đã gửi thư cho đối tác để giải thích, nói rõ tình hình dịch bão lũ mong đối tác thông cảm", doanh nghiệp này cho hay.

Đồng thời, đại diện này hy vọng: Trước đây, các nước phát triển bị dịch Covid-19 đã từng hủy hợp đồng, lùi thời hạn nhận hàng của Việt Nam. Hiện nay đến khi mình gặp bão, lũ cũng hy vọng họ chia sẻ để doanh nghiệp Việt Nam không phải đền hợp đồng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải nỗ lực khôi phục nuôi trồng và sản xuất để đáp ứng những đơn hàng gấp, giữ được khách hàng tốt, không để họ bỏ đi sang thị trường khác”, đại diện doanh nghiệp nói.

Nỗ lực khôi phục sản xuất sau bão

Trước những thiệt hại của các doanh nghiệp thuỷ sản miền Bắc, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) kiến nghị các địa phương đề xuất các giải pháp có chính sách hỗ trợ cho các gia đình nông, ngư dân khắc phục khó khăn, khôi phục lại sản xuất, ổn định đời sống thời gian tới.

Chị Ngô Thị Thuý chia sẻ, gia đình vay Agribank trên địa bàn 4 tỷ đồng để đầu tư vào bè cá, giờ đây chỉ mong sao được ngân hàng hoãn nợ, giãn nợ và cho vay mới để có thể hồi phục. “Chỉ cần ngân hàng tin tưởng cho chúng tôi vay vốn để nhanh chóng mua cá con thả kịp thời thì 2 năm thôi, chúng tôi có thể vực dậy và có tiền trả nợ ngân hàng”.

Tương tự, ông Vũ Văn Cường mong mỏi: "Nếu giờ ngân hàng siết nợ, chúng tôi cũng chẳng biết làm thế nào. Chỉ mong ngân hàng thương mà hoãn nợ, giãn nợ cho bà con, cho bà con vay tiền để làm lại”.

Theo ghi nhận, những ngày qua các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng cùng các tỉnh thành khác đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau bão.

Ông Cao Tường Huy, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đã làm việc với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để thảo luận, thống nhất phương án tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng đang vay vốn bị ảnh hưởng của cơn bão Yagi.

Theo tỉnh Quảng Ninh, ở tỉnh có hơn 11.000 khách hàng, với tổng dư nợ 10.654 tỉ đồng đã bị ảnh hưởng nặng nề do hậu quả cơn bão Yagi, trong đó có nhiều người nuôi trồng thủy hải sản bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Để vượt qua khó khăn sau bão, ông Huy đề nghị các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp, có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với khách hàng đang gặp khó khăn do ảnh hưởng bão, thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão.

Ông Huy cũng đề nghị các ngân hàng xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại, nghiên cứu việc tiếp tục cho vay mới đối với doanh nghiệp, người nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại do bão để họ có thể khôi phục sản xuất kinh doanh. Thực hiện xử lý nợ, xử lý rủi ro theo các quy định hiện hành đối với khách hàng thiệt hại nặng, mất khả năng chi trả.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản đề nghị các ngân hàng thương mại phải tập trung hỗ trợ ngay cho doanh nghiệp, người dân và hộ vay vốn khắc phục ngay các khó khăn do bão gây ra. NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại tạm thời khoanh nợ, hoãn giãn nợ, giảm lãi ngay những khoản nào đã đến hạn. Đồng thời, khuyến khích ngân hàng tích cực cho khách hàng vay vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Về giải pháp hỗ trợ khôi phục sản xuất sau bão Yagi, Bộ Tài chính chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách giãn hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão, mưa lũ theo quy định.

Theo Báo vnbusiness

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục