Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Vasep - ngành thuỷ sản không hẳn là bi quan, bởi thị trường không thể xuống mãi được. Thống kê bởi Hiệp hội, một số DN nhỏ kỳ vọng đơn hàng sẽ tăng trở lại vào tháng 12 năm nay. Nhưng, nhóm DN lớn thì phải đến cuối quý 1/2023 mới có thể hồi phục.
“Thông tin Ngân hàng tiếp tục nới room rất được mong đợi. Dù vậy, không phải doanh nghiệp (DN) nào cũng được rót vốn và tuỳ thuộc vào việc đánh giá rủi ro. Vậy, với nhóm thuỷ sản thì rủi ro ở mức nào, và có nằm trong diện được ưu tiên cấp vốn hay không?” . Đó là câu hỏi được nhà đầu tư đặt tại hội thảo “Ngành thủy sản 2023: Nhận diện thách thức & giải bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng" do Tạp chí Doanh nhân Việt Nam và Công ty Greenpan phối hợp tổ chức mới đây.
Trả lời, Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho biết trước hết phải nhìn nhận DN thuỷ sản có 2 dòng vốn chính là:
(i) Vốn lưu động: Đây là vốn kỳ vọng được ngân hàng cấp, điều này sẽ được đánh giá dựa trên số lượng đơn hàng… nên thời gian nhanh và theo ông Hiển là không quá lo ngại cho năm 2023.
(ii) Vốn đầu tư: Dòng vốn này thì tuỳ thuộc vào sức khoẻ tài chính, nên ngân hàng sẽ phải đánh giá kỹ các chỉ số của DN. Trong bối cảnh “room” nhà băng không còn nhiều, kế hoạch đầu tư trung dài hạn của các DN có thể sẽ chậm lại.
Bài toán về dòng tiền cho DN thuỷ sản
Đánh giá chung cho giai đoạn 2023- 2024, nguồn vốn cho các công ty thủy sản ở quy mô nhỏ và vừa vẫn dựa vào ngân hàng là chủ yếu. Để có nhiều nguồn vốn, DN theo chuyên gia cần quản lý tài chính tốt, nên nghiên cứu làm sao cho nguồn vốn nhẹ nhất, thanh khoản tốt nhất, không nên phát triển theo kiểu tăng trưởng đến đâu đầu tư đến đó mà nên hạn chế đầu tư, chỉ đầu tư vào những thứ cốt lõi. Nếu làm như vậy, quy mô tăng trưởng sẽ cao hơn quy mô vốn, giúp DN có thể xoay xở được trong những giai đoạn khó khăn.
Thực tế, tình hình sử dụng vốn huy động của các công ty niêm yết ngành thủy sản khá ổn định, doanh thu tạo ra hài hòa với lượng vốn. Trong năm 2022, nhóm DN này có cơ cấu vốn khá tốt so với ngành công nghiệp.
Trong khi đó, tỷ lệ tổng vốn trên doanh thu của các doanh nghiệp bất động sản lên tới 747%, nghĩa là khối này đang sử dụng nhiều vốn mà ít tạo doanh thu. Số tiền bị nhốt trong nền kinh tế đang khan tiền chủ yếu ở các doanh nghiệp bất động sản.
Ngược lại, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các công ty thủy sản niêm yết đang tăng tốt, cao hơn năm 2019. Hiện ROE của nhóm này nói chung ở mức 14,8%, các DN nhỏ và vừa khoảng 13%.
Dù vậy, các công ty chỉ có thể chịu được lãi suất cho vay hiện nay ở mức 10-12%, nếu lãi suất cao hơn thì sẽ hơi khó khăn. Nếu như Ngân hàng Nhà nước không thể hạ nhiệt lãi suất huy động và lãi suất cho vay trong quý 1/2023, thì nhiều công ty thủy sản nhỏ và vừa sẽ phải chấp nhận lỗ khi sử dụng vốn.
Quý 4/2022 và quý 1/2023 là giai đoạn khó khăn nhất cho DN thuỷ sản
Điểm qua về ngành, nhận diện bức tranh nóng hiện nay liên quan đến việc sụt giảm mạnh đơn hàng, chuyên gia thẳng thắn nhấn mạnh thông điệp xuyên suốt cho năm 2023 là có nhiều chuyện đáng lo. Bởi, ngành thủy sản là ngành xuất khẩu nên trong bối cảnh nền kinh tế thế giới dự báo tiếp tục xấu đi, ngành thủy sản là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất.
Mối lo thứ hai là tiêu dùng trong nước cũng có thể gặp khó khăn, nhiều người dân đang kẹt tiền trong đầu tư chứng khoán, bất động sản, nên một bộ phận cũng không dám đầu tư, chi tiêu. Hệ quả, dự báo quý 4/2022 và quý 1/2023 là giai đoạn khó khăn nhất.
Nói đi cũng nói lại, theo ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Vasep - ngành thuỷ sản không hẳn là bi quan, bởi thị trường không thể xuống mãi được, quan trọng thị trường trở lại khi nào. Thống kê bởi Hiệp hội, một số DN nhỏ kỳ vọng đơn hàng sẽ tăng trở lại vào tháng 12 năm nay. Nhưng, nhóm DN lớn thì phải đến cuối quý 1/2023 mới có thể hồi phục.
Giải pháp toàn diện theo đó là liên kết chuỗi trong sản xuất ngành thuỷ sản. Nói về câu chuyện này, ông Trương Đình Hoè đánh giá trường hợp của Thực phẩm Sao Ta (FMC) rất thành công nhờ sớm triển khai hệ thống nuôi tôm ở quy mô trang trại, trên cơ sở đó giúp doanh nghiệp một phần chủ động được nguồn nguyên liệu, thông qua đó hiểu hơn về về chuỗi sản xuất của chính DN.
Điển hình mảng ngành cá tra, ông Hoè cho biết 60% lượng nguyên liệu cá tra xuất khẩu được kiểm soát bởi công ty chế biến trực tiếp thông qua hệ thống trang trại của họ. Chính điều này giúp tăng tính chủ động trong khâu sản xuất, tránh các biến động như trước đây khi có thời điểm tình hình ngành cá tra lộn xộn về giá cả, chất lượng…
Nhìn chung, nếu DN nuôi theo quy mô trang trại sẽ dễ có các chứng nhận quốc tế như ASC, BAP, … là những loại giấy thông hành giúp doanh nghiệp thâm nhập sâu hơn vào các thị trường khó tính như EU.
Điểm qua về ngành, 10 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 9,4 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. VASEP cho biết các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra hay cá ngừ đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng hai chữ số.
Giá trị thủy sản đi Mỹ - thị trường tiêu thụ chủ lực của Việt Nam - đạt 1,9 tỷ USD trong 10 tháng qua, tăng 15%; đi Trung Quốc đại lục và Hong Kong ghi nhận 1,5 tỷ USD, tăng 74%; đi Nhật Bản đạt 1,4 tỷ USD, tăng 33%.
Tuy nhiên, những thành tích này đạt được chủ yếu là nhờ các tháng trước. Riêng trong tháng 10, giá trị xuất khẩu thủy sản ghi nhận dưới 1 tỷ USD, chỉ nhỉnh hơn 2% so với cùng kỳ - Đây là tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ đầu năm 2022.
Bảo Ngọc (Theo cafebiz)