VASEP ‘tố’ quy định kiểm dịch làm khó thủy sản nhập khẩu chế biến thực phẩm

Quy định kiểm dịch thủy sản nhập khẩu chế biến thực phẩm là biện pháp quá mức, không phù hợp với thông lệ quốc tế, gây tốn kém cho doanh nghiệp, làm giảm năng lực cạnh tranh của thủy sản Việt Nam.
VASEP ‘tố’ quy định kiểm dịch làm khó thủy sản nhập khẩu chế biến thực phẩm
Quy định kiểm dịch thủy sản nhập khẩu làm thực phẩm của Bộ NN-PTNT đang làm khó các doanh nghiệp khi gây tốn kém nhiều thời gian, chi phí

Đó là ý kiến ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nêu ra tại cuộc gặp giữa Bộ NN-PTNT với đại diện các hiệp hội, ngành hàng lắng nghe phản ánh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra trong ngày 7/7, tại Hà Nội.

Đại diện VASEP cho rằng, sản phẩm thủy sản nhập khẩu chế biến làm thực phẩm (đông lạnh, hàng khô, đồ hộp, nấu chín, ăn liền…) vẫn tiếp tục thuộc danh mục phải kiểm dịch quy định tại các thông tư của Bộ NN-PTNT gồm: Thông tư 26/2016, Thông tư 36/2018 và Thông tư 18/2018.

Theo các quy định này, 100% container hàng nhập khẩu đều phải kiểm tra (hồ sơ, cảm quan) dù là nhập cho mục đích gì (gia công hàng xuất khẩu, hay tiêu dùng nội địa) và có lịch sử ra sao; việc lấy mẫu kiểm nghiệm áp dụng khi có nghi ngờ đối với hàng nhập để sản xuất xuất khẩu, gia công xuất khẩu và 20% số lô/năm đối với hàng nhập để tiêu dùng nội địa. Quy định này dẫn đến quy mô và số lượng mặt hàng, lô hàng phải kiểm tra nhập khẩu hiện nay là rất lớn.

Trong khi theo thống kê, số lượng lô hàng vi phạm trong quá trình kiểm dịch các năm qua là vô cùng thấp. Cụ thể, năm 2017 chỉ 4/320.376 tờ khai bị vi phạm, chiếm 0,001%. Năm 2018, chỉ có 6/183.831 tờ khai bị vi phạm, chiếm 0,01%. Năm 2019 không có tờ khai nào trong tổng số 320.376 tờ khai bị vi phạm. Nhưng các yêu cầu về kiểm dịch, tần suất kiểm dịch và số lượng lô hàng bị đưa vào diện kiểm dịch lại tăng dần lên từ 2010 đến nay.

Theo đó, ông Nam cho rằng, việc duy trì các đối tượng/danh mục “hàng chế biến dùng làm thực phẩm” phải kiểm dịch qua các năm và tại dự thảo sửa đổi Thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT là biện pháp quá mức, chưa phù hợp với chủ trương cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, với quy định pháp luật cũng như thông lệ quốc tế.

Đây cũng là quan ngại lớn của VASEP và cộng đồng doanh nghiệp khi đây là yếu tố làm giảm đi năng lực cạnh tranh của ngành thủy sản, của quốc gia và doannh nghiệp tốn kém nhiều chi phí (thời gian, cơ hội…).

Không phù hợp thông lệ quốc tế

Ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, quy định kiểm dịch áp dụng với sản phẩm thủy sản nhập khẩu làm thực phẩm của Bộ NN-PTNT còn bất cập, không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo thống kê của VASEP, trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ đang nhập khẩu sản phẩm thủy sản của Việt Nam (hơn 80% là chế biến đông lạnh, số còn lại là đồ hộp, hàng khô…) để dùng làm thực phẩm cho người. Các quốc gia này chỉ áp dụng kiểm tra an toàn thực phẩm thủy sản nhập khẩu, bao gồm các chỉ tiêu: cảm quan, vi sinh vật gây hại và/hoặc kháng sinh, hóa chất (mức độ tùy thị trường).

Ngoài việc đánh giá công nhận tương đương, công nhận lẫn nhau, EU và nhiều thị trường đều yêu cầu các lô hàng thủy sản xuất khẩu sang thị trường này được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm bởi NAFIQAD (thuộc Bộ NN-PTNT), chứ không phải là chứng nhận kiểm dịch. Ngoại trừ thị trường Úc và Hàn Quốc có yêu cầu kiểm tra thêm các chỉ tiêu an toàn dịch bệnh trên tôm tươi đông lạnh và một số cá đông lạnh (tác nhân: virus gây đốm trắng, taura...).

“Cùng đối tượng nhập khẩu (sản phẩm thủy sản dùng làm thực phẩm), cùng là thành viên của WTO, Codex, OIE và cùng cách làm, cùng kiểm tra chỉ tiêu an toàn thực phẩm - nhưng sao tại Việt Nam lại đặt tên hoạt động này là kiểm dịch”, ông Nam đặt vấn đề.

Theo đó, đại diện VASEP kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét không đưa hoạt động kiểm tra nhập khẩu các sản phẩm thuỷ sản dùng làm thực phẩm cho người vào danh mục kiểm dịch, trừ các sản phẩm sống, tươi sống, ướp lạnh.

Sửa quy định kiểm dịch theo hướng của VASEP

Chia sẻ tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, thực tế trong quản lý của ngành nông nghiệp vẫn còn có nhiều quy định các bên đều cho là đúng nhưng khi triển khai vào thực tế đôi khi khiến hiệu quả công việc không cao. Bộ NN-PTNT tạo môi trường cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thì ngoài sửa cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật thì phần không kém nữa là sửa thái độ làm việc. Một nền hành chính đúng nghĩa thì thái độ phải là gốc, cần thay đổi.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp ghi nhận một số doanh nghiệp còn vướng mắc về kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm, trong đó có kiến nghị của VASEP khi theo thông lệ quốc tế, hàng tươi sống thì kiểm dịch, còn hàng chế biến thì kiểm tra an toàn thực phẩm. Đối với thực vật, ngành nông nghiệp đang thực hiện theo hướng này, riêng động vật thì đang áp dụng cả kiểm dịch tươi sống và đã chế biến.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y xem xét, tính toán sửa đổi quy định này theo đúng thông lệ quốc tế, đảm bảo sản phẩm sử dụng cho con người đảm bảo an toàn và doanh nghiệp có điều kiện thông thoáng nhất.

“Ngành sẽ đi theo hướng VASEP đề xuất là phân loại mặt hàng cần kiểm dịch và mặt hàng cần kiểm tra an toàn thực phẩm”, ông Hiệp nói.

(Theo báo Thanh Niên)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục