Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) lạc hậu về tư duy, khó đáp ứng sự phát triển kinh tế

TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế, Đại học Fulbright TP.HCM cho rằng, dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) là bước lùi của Luật Lao động 2012.

Góp ý chi tiết cho dự thảo Bộ Luật Lao động, bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng thư ký  Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc văn phòng Giới sử dụng lao động, cho rằng, có 8 vấn đề lớn cần được xem xét sửa đổi, bổ sung trong dự thảo lần này. Trong đó, đáng chú ý là thời gian làm thêm và cách tính thời gian làm thêm giờ của người lao động và vấn đề tiền lương.

Theo bà Lan Anh, Bộ Luật Lao động hiện hành đang quy định tổng số giờ làm thêm tối đa trong năm của Việt Nam bị hạn chế ở mức 200 giờ/năm. Mức này thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia đang cạnh tranh lao động với Việt Nam.

Xét trên ngành nghề, quy định này chưa phù hợp với những ngành nghề sản xuất trực tiếp, do đó hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Ngoài ra, do năng suất lao động của người lao động Việt Nam còn thấp, tỷ trọng các ngành nghề thâm dụng lao động có giá trị gia tăng thấp vẫn còn lớn nên nhu cầu mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ là nhu cầu thực tế, để góp phần tăng thu nhập cho người lao động.

Vì vậy, VCCI kiến nghị, không nên quy định giới hạn giờ làm thêm theo tuần, theo tháng, chỉ quy định theo năm. Đảm bảo số giờ thêm của người lao động không quá 500 giờ/năm, trừ một số ngành nghề, công việc được làm thêm giờ không quá 600 giờ/năm”.

Cũng theo bà Lan Anh, tiền lương làm thêm giờ ở Việt Nam hiện đang cao hơn so với tiền lương làm thêm giờ của nhiều quốc gia khác. Quy định mới sẽ khiến chi phí doanh nghiệp tăng cao, khó quản lý và làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo đó VCCI đề xuất, lương trả cho người lao động làm thêm giờ được tính như sau: Vào ngày bình thường, ít nhất bằng 150%; Vào ngày nghỉ hàng tuần, ít nhất bằng 200%; Vào ngày nghỉ lễ, tết… ít nhất bằng 300%.

Theo nghiên cứu của VCCI, đa số các nước có GDP dưới 3.000 USD/người (trong đó có Việt Nam) đều đang quy định làm việc 48 giờ/tuần. Việc giảm thời gian làm việc bình thường xuống 44 giờ/tuần thay vì 48 giờ/tuần như hiện nay sẽ là suy giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo đó doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, gây mất niềm tin của khách hàng. Chưa kể, việc giảm giờ làm được cho là sẽ khiến giảm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và nguồn thuế của doanh nghiệp đóng góp cho Nhà nước bị sụt giảm đáng kể.

Tham luận tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, cho biết, theo khảo sát của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tổng chi phí sử dụng lao động đã tăng trong những năm gần đây. Thị trường lao động càng bị phân khúc và tạo ra những nhóm phân tầng khác nhau, thiệt thòi là tầng lớp yếu thế.

Ủng hộ việc tăng thời gian làm thêm, nhưng tối đa đến 400 giờ/năm, bà Hương cho rằng việc điều chỉnh này là cần thiết để phù hợp với ngành nghề lao động, quan hệ lao động, chứ không phải chỉ tăng vấn đề tăng năng suất lao động để giảm giờ làm.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng cho rằng, dự thảo Luật Lao động sửa đổi lần này còn nhiều điểm chưa rõ ràng, có thể trở thành rào cản gây ảnh hưởng đến sự phát triển doanh nghiệp. Điều này vô hình trung tạo ra “khoảng trống” pháp luật.

Ý kiến của đại diện một số hiệp hội cũng cho biết, dự thảo Luật Lao động mới có thể khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động dôi dư do năng lực tài chính hiện tại của nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của dự thảo mới…

(Theo báo Doanh nhân trẻ)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục