(vasep.com.vn) Theo giám đốc điều hành tập đoàn thủy sản Maruha Nichiro, giá bạch tuộc đạt mức cao kỷ lục đã thúc đẩy một số nhà máy Nhật Bản tập trung vào chế biến mực.
Sự suy yếu của đồng JPY so với USD là một trong những yếu tố quan trọng khiến nhu cầu đối với loài bạch tuộc của Nhật Bản giảm.
Tháng 9/2022, đồng JPY đã giảm xuống mức thấp nhất trong 24 năm kể từ tháng 8/1998.
Theo Tetsuya Horie, Phó tổng giám đốc phụ trách bạch tuộc, mực và mực nang của tập đoàn thủy sản Nhật Bản Maruha Nichiro, nhập khẩu mực, bạch tuộc của Nhật Bản đã giảm đáng kể từ năm 2016 đến năm 2021.
Khối lượng bạch tuộc đông lạnh nhập khẩu từ Maroc, Mauritania và Senegal của Nhật Bản đã giảm đáng kể trong 5 năm qua, do nhu cầu thị trường nội địa có xu hướng giảm do JPY mất giá làm giá nhập khẩu tăng cao.
Cung, cầu và tỷ giá hối đoái đã gây ra biến động giá trong những năm gần đây. Ông Horie nhấn mạnh rằng giá quy đổi sang đồng yên tăng cao đã ảnh hưởng đến tiêu dùng ở Nhật Bản. Horie giải thích, lượng mua tại các siêu thị chiếm 65% tổng lượng bạch tuộc tiêu thụ của Nhật Bản, trong khi dịch vụ thực phẩm chiếm 35%. Đây là hai kênh bán hàng chính tại Nhật Bản. Một khi sản phẩm được đóng gói để bán trong các siêu thị Nhật Bản, nó chỉ tồn tại trong khoảng ba ngày.
Giá sản phẩm nhập khẩu tăng cao đã ảnh hưởng đến tiêu dùng ở Nhật Bản
Hiện, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang chuyển hướng sang các sản phẩm bạch tuộc nấu chín hút chân không nhằm tăng thời hạn sử dụng. Do giá tăng cao, các đầu bếp nhà hàng cũng đang chuyển sang các sản phẩm giá cả phải chăng chất lượng thấp hơn.
Do tiêu thụ thấp hơn, các nhà máy chế biến ở Nhật Bản đã giảm số lượng, hiện nay còn khoảng 40. Khối lượng sản xuất hàng năm của họ đã giảm 50% trong 7 năm qua, xuống còn khoảng 18.000 tấn vào năm 2022.
Lối sống và phong cách làm việc tại Nhật Bản đã thay đổi, gây ra sự thay đổi trong thói quen ăn uống. Gần đây của các sản phẩm ăn liền rất được ưa chuộng.
Tập đoàn Maruha Nichiro đặt mục tiêu duy trì cách kinh doanh hiện tại, bán nguyên liệu thô cho các nhà máy, nhưng cũng phát triển các sản phẩm mới (lát sushi, takoyaki ajillo, karaage, v.v.) thích ứng với sự thay đổi lối sống của người dân Nhật Bản.
Năm 2020, tổng lượng bạch tuộc đánh bắt được trên thế giới đạt 377.912 tấn. Trong đó, sản lượng khai thác bạch tuộc từ Tây Phi chiếm khoảng 27% tổng sản lượng. Tây Phi là nguồn cung chủ yếu mực, bạch tuộc. Trung Quốc cũng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản lượng đánh bắt của thế giới.
Thùy Linh (Theo undercurrentnews)