Giá cua huỳnh đế Na Uy dự kiến tăng do nguồn cung thấp

(vasep.com.vn) Giá cua huỳnh đế Na Uy sẽ tăng trở lại trong năm nay sau khi giảm từ mức cao kỷ lục. Dự kiến giá sẽ cao hơn khi Na Uy trở thành nguồn cua huỳnh đế duy nhất của Bắc Mỹ và Châu Âu. Do nguồn cung khan hiếm ở châu u và Mỹ, giá cua huỳnh đế đỏ sống, đông lạnh ở Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng cao.

Mức tăng dự kiến ​​này xảy ra ngay cả khi nhiều người mua vẫn e ngại cua hoàng đế sau khi giá tăng cao ngất ngưởng vào năm 2021. Vào tháng 1/2022, giá cua hoàng đế trên sàn giao dịch cá Norges Rafisklag của Na Uy đạt 496 NOK/kg, cao hơn gấp đôi giá một năm trước đó. Giá cho ngư dân ở Na Uy đạt 550 NOK/kg.

Giá cua huỳnh đế tăng cao trong thời kỳ đại dịch. Khi giá tăng chạm đỉnh, nhu cầu giảm. Mặc dù thị trường ảm đạm hơn nhiều so với 2021, nguồn cung khan hiếm chắc chắn sẽ gây áp lực lên giá cua huỳnh đế. 

Vào tháng 6/2022, sau khi xung đột Nga- Ukraine diễn ra, Mỹ đã cấm nhập khẩu hải sản trực tiếp từ Nga, bao gồm cả cua huỳnh đế. Sau đó vào tháng 10, Cơ quan thủy sản Alaska (ADF&G) đã hủy bỏ tất cả mùa đánh bắt cua tuyết, cua huỳnh đế đỏ và cua huỳnh đế xanh của bang trong mùa đánh bắt 2022-2023.

Chú thích ảnh

Giá cua huỳnh đế Na Uy sẽ tăng trở lại trong năm 2023 sau khi giảm từ mức cao kỷ lục.

Năm 2019, Nga và Bắc Mỹ sản xuất lần lượt 60% và khoảng 20% sản lượng cua huỳnh đế và cua tuyết trên toàn cầu. Nguồn cung từ Na Uy cũng giảm trong tháng 3 khi nước này bắt đầu đánh bắt cá tuyết theo mùa. 

Sự ảnh hưởng từ Trung Quốc

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau khi từ bỏ các biện pháp kiểm soát COVID nghiêm ngặt cũng được cho là nguyên nhân đẩy giá cua huỳnh đế.

Cơ quan xếp hạng Moody's đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc lên 5% trong năm 2023 khi nền kinh tế của nước này thoát khỏi tình trạng đóng cửa.

Nhu cầu tại Trung Quốc phục hồi trở lại sau sụt giảm giá nhập khẩu vào tháng 11, 12 khi nước này vẫn thực hiện biện pháp kiểm soát Covid nghiêm ngặt. Điều này đã nâng giá nhập khẩu cua huỳnh đế đỏ từ mức thấp nhất là 30USD/kg vào cuối năm ngoái. 

Chú thích ảnh

Na Uy vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ của Nga tại thị trường châu Á

Tuy nhiên, Na Uy vẫn phải đối mặt với các nhà cung cấp Nga đang chiếm lĩnh thị trường châu Á do họ mất quyền tiếp cận châu Âu và Bắc Mỹ. Một số nhà cung cấp của Nga đang chuyển sản phẩm cua sống đông lạnh vốn được bán ở phương Tây sang châu Á. Nga đang cung cấp hầu hết là cua huỳnh đế xanh chứ không phải cua huỳnh đế đỏ, vì vậy Na Uy vẫn có lợi thế cạnh tranh nhất định. Thị trường duy nhất còn lại của cua huỳnh đế đỏ Nga là ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Vì vậy giá cua huỳnh đế đỏ Nga ở Trung Quốc rất thấp. 

Tuy nhiên, Na Uy cũng phải đi các tuyến đường dài hơn đến châu Á do lệnh cấm của Nga đối với các hãng hàng không phương Tây vào không phận nước này. Chi phí vận tải hàng không vẫn còn cao. Xét cho cùng, 30 USD/kg vẫn thấp hơn nhiều so với chi phí trả cho ngư dân ở Na Uy.

Theo Hội đồng Thủy sản Na Uy, trong tháng 1/2023, Na Uy chỉ XK 8 tấn cua huỳnh đế sang Hàn Quốc, ít hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang Trung Quốc hầu như không có tiến triển. Trong khi đó, xuất khẩu cua huỳnh đế Na Uy sang Bắc Mỹ trong tháng 1/2023 tăng 92% so với cùng kỳ năm trước. 

Giá cua huỳnh đế đực trong tuần thứ 6/2023 là 378,3 NOK/kg, giảm 24% so với cùng tuần năm 2022 (496,31 NOK/kg), nhưng tăng 57,7% so với giá trong tuần thứ 6/2021 (238,41 NOK/kg). Trong khi đó, giá cua huỳnh đế cái trong tuần thứ 6/2023 là 89,71 NOK/kg, giảm 39% so với giá trong tuần thứ 6/2022 (147,53 NOK/kg) và giảm 7,7% so với giá trong tuần thứ 6/2021 (NOK 97,07/kg).

Thùy Linh (Theo undercurrentnews) 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục