Phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá

Cùng với phát triển đội tàu cá công suất lớn khai thác hải sản xa bờ, thời gian qua, các địa phương ven biển trong tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.

Với lợi thế giáp biển, có Cảng cá Lạch Bạng và nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn, ngư dân phường Hải Bình (thị xã Nghi Sơn) đã đầu tư phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá với số lượng lớn nhất của cả tỉnh. Ngư dân Nguyễn Văn Cường, phường Hải Bình, chủ tàu cá TH90286TS, có chiều dài 20m, với công suất 450CV, chuyên khai thác hải sản vùng biển Vịnh Bắc bộ, cho biết: “Trước đây, khi chưa có các tàu dịch vụ thu mua hải sản và cung ứng xăng dầu, lương thực, thực phẩm cho các tàu khai thác trên biển, tàu cá phải ra vào liên tục nên chi phí cho những chuyến đi biển tăng cao. Ngoài ra, sản phẩm khai thác khó bán được giá cao do bảo quản lâu ngày, không đảm bảo độ tươi ngon. Bây giờ có các tàu dịch vụ trên biển, khoảng 4 - 5 ngày ra ngư trường thu mua nên sản phẩm khai thác đảm bảo chất lượng, hơn nữa chi phí cho một chuyến đi biển cũng giảm, chúng tôi yên tâm bám biển dài ngày hơn”. Hiện nay, phường Hải Bình có 70 tàu dịch vụ nghề cá, tạo việc làm cho gần 1.000 lao động, với thu nhập bình quân 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi năm đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển của phường Hải Bình thu mua 120.000 tấn hải sản cung cấp nguồn nguyên liệu cho các cơ sở thu mua, chế biến trên địa bàn. Ngoài ra, các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá còn cung ứng hàng triệu lít xăng, dầu; đá lạnh và nhu yếu phẩm khác cho ngư dân khai thác hải sản trên biển. Ông Trần Văn Xô, chủ tàu TH92586TS, chuyên cung cấp nhiên liệu, vật dụng và các nhu yếu phẩm cho các tàu khai thác xa bờ, thu mua hải sản và vận chuyển vào bờ trên các ngư trường Vịnh Bắc bộ và vùng biển của các tỉnh miền Trung, cho biết: Để ổn định nguồn hải sản thu mua trên biển, tàu của ông đã liên kết với 10 tàu khai thác hải sản của phường Hải Bình. Trung bình mỗi chuyến đi thu mua trên các ngư trường khoảng 7 - 10 ngày, với sản lượng từ 70 - 80 tấn hải sản các loại, sản phẩm thu mua về chủ yếu cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến hải sản. Bên cạnh đó, các tàu dịch vụ còn chở dầu ra tiếp cho tàu cá giúp ngư dân tiết kiệm chi phí và kéo dài thời gian sản xuất trên biển. Ngoài ra, trong quá trình làm dịch vụ trên biển các tàu còn hỗ trợ lẫn nhau khi gặp rủi ro bởi thiên tai hoặc hỏng máy trong quá trình khai thác.

Trong những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của các cấp, ngành, công tác khơi thông luồng lạch ra vào các cảng cá ở các địa phương ven biển được đầu tư thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu dịch vụ cũng như tàu khai thác ra vào bốc dỡ sản phẩm hải sản và tránh trú bão an toàn. Các địa phương cũng quan tâm phát triển khai thác hải sản và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân phát triển các ngành nghề dịch vụ hậu cần nghề cá. Bên cạnh đó, các cảng cá cũng phát triển các dịch vụ cung cấp nguyên liệu và nhu yếu phẩm cần thiết cho tàu thuyền vươn khơi, bám biển. Đến nay, toàn tỉnh có 125 tàu dịch vụ thu mua và dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển, tập trung ở các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, thị xã Nghi Sơn và TP Sầm Sơn tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho hoạt động chế biến thủy sản phát triển. Với nguồn nguyên liệu khai thác và thu mua ổn định, trên địa bàn tỉnh đã phát triển được 81 doanh nghiệp chuyên chế biến, kinh doanh xuất khẩu thủy sản, với tổng công suất khoảng 280.000 tấn/năm. Nhiều công ty chế biến thủy sản với công suất 20.000 tấn nguyên liệu/năm, như: Công ty CP Chế biến hải sản Thanh Hoa; Công ty Chế biến bột cá Phúc Thiết, Công ty CP Thương mại vận tải và Chế biến hải sản Long Hải... Các tổ chức, cá nhân mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng chế biến sản phẩm an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng và phục vụ xuất khẩu. Ông Lê Bá Lực, Trưởng Phòng Quản lý tàu cá và Cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, Chi cục Thủy sản, cho biết: Nhằm đáp ứng nhu cầu cho tàu cá công suất lớn của tỉnh tham gia khai thác trên các ngư trường khơi xa, đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá đã kịp thời thu mua hải sản trên biển và làm dịch vụ sửa chữa tàu khi gặp sự cố giúp ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác và yên tâm bám biển dài ngày. Nhiều ngư dân ở các địa phương ven biển đã mạnh dạn đầu tư đóng tàu công suất lớn làm dịch vụ hậu cần trên biển. Các tàu dịch vụ hậu cần phục vụ tàu khai thác xa bờ của ngư dân, giảm chi phí trung gian, chất lượng sản phẩm khai thác được bảo quản tốt và cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào đáp ứng yêu cầu chất lượng cho các doanh nghiệp chế biến. Việc phát triển các đội tàu dịch vụ góp phần củng cố và phát triển tổ chức sản xuất trên biển gắn với tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đội tàu làm dịch vụ hậu cần trên biển hoạt động hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho ngư dân và góp phần phát triển đa dạng ngành nghề ở các địa phương vùng ven biển. Tuy nhiên, trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 dẫn tới hàng hóa của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ và xuất khẩu khiến nhiều tàu làm dịch vụ hậu cần nằm bờ. Nhiều chuỗi khai thác hải sản giữa ngư dân và tàu dịch vụ hậu cần không duy trì hoạt động được gây khó khăn cho ngư dân sản xuất trên biển.

Để phát triển tàu dịch vụ hậu cần nghề cá đáp ứng yêu cầu khai thác xa bờ của ngư dân, các địa phương ven biển đang thực hiện rà soát, sắp xếp lại các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá, nhất là khâu thu mua, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục xây dựng và phát triển các mô hình liên kết khai thác, bao tiêu sản phẩm giữa ngư dân với tàu dịch vụ hậu cần. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh đã ban hành để khuyến khích, tạo động lực cho hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển. Huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp các cảng cá, bến cá, khơi thông luồng lạch cho tàu khai thác cũng như tàu dịch vụ ra vào thuận lợi, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế biển để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

(Theo báo Thanh Hóa)

Mời Quý độc giả tham gia khảo sát về đánh giá chất lượng cổng thông tin điện tử www.vasep.com.vn

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục