Đối với ngành thủy sản trong định hướng chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 – có 03 đề án lớn mà tôi vẫn còn trăn trở:
Thứ nhất, đề án cho con tôm: vấn đề con giống, đất quy hoạch, thức ăn, công nghệ nuôi trồng, giá thành sản phẩm là hệ sinh thái gắn liền với sản xuất, chế biến và xuất khẩu (XK). Hiện nay, nhà máy chế biến, sản xuất, XK được cơ quan nhà nước quan tâm hỗ trợ nhiều. Trong khi mảng thức ăn, con giống và công nghệ nuôi vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm, cải thiện. Đó cũng là phần khiến giá thành sản phẩm tôm còn cao và giảm sức cạnh tranh. Do đó, tôi mong muốn chúng ta đầu tư nhiều hơn nữa bằng khoa học công nghệ, cần có sự tham gia nhiều hơn nữa của các chuyên gia đầu ngành có trình độ khoa học bài bản để đưa ngành tôm của mình phát triển đúng mức và đủ sức cạnh tranh (nhất là với Ecuador và Ấn Độ hiện nay).
Thứ hai là đề án con cá tra: rõ ràng hiện nay, Việt Nam không phải là nước độc quyền về con cá tra nữa rồi. Có nhiều nước đã nuôi được cá tra như Myanmar, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan... Vậy chúng ta phải làm thế nào để tương lai con cá tra Việt Nam vẫn giữ được vị trí số 1.
Thứ ba là đề án hải sản và nuôi trồng trên biển: Theo tôi, đây đang là vấn đề nhức nhối hiện nay và cần đặc biệt quan tâm. Trước đây, Chính phủ tập trung vào việc hỗ trợ nuôi trồng thủy sản (tôm, cá tra) nhưng hải sản khai thác chưa được quan tâm đúng mức. Chúng ta cần quan tâm đến từ quản lý tàu thuyền đánh bắt cho đến cảng cá, nậu vựa và nhà xưởng sản xuất chế biến. Đây cũng là một giải pháp giúp chúng ta tháo gỡ thẻ vàng IUU. Trong chữ “IUU” bao gồm 3 nội dung:
1. Illegal - bất hợp pháp: Đây là vấn đề được EU quan tâm hàng đầu nên tuyệt đối không được vi phạm. Chỉ cần còn một tàu đánh bắt vi phạm khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài thì không thể hy vọng gỡ được Thẻ vàng. Chính phủ và các Tỉnh cần có biện pháp giải quyết để không còn một tàu nào khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài. Vì đây cũng là cái cớ để các nước xung quanh cạnh tranh và gây khó khăn cho Việt Nam.
2. Unreported - không báo cáo: Đây là điểm quan trọng thứ 2 và hiện đang là điểm nghẽn ở các cảng cá, nậu vựa, nhà máy sản xuất. Điểm nghẽn gây khó khăn vì chúng ta không có được thời gian thực của dữ liệu. Do đó cần có chợ đấu giá ở các cảng cá và cần có phần mềm số hoá dữ liệu để có được cơ sở dữ liệu (data) công bố mọi lúc mọi nơi và dễ dàng quản lý đội tàu thuyền của mình. Cụ thể như sau:
2.1 Xây dựng chợ đấu giá tại cảng cá:
Mặc dù các tàu cá đã được gắn thiết bị giám sát hành trình, nhưng khi vào cảng lại gặp phải các vấn đề: (1) cảng không đủ lớn hoặc không đủ điều kiện để cho tàu vào, (2) các cơ sở nậu vựa bài bản cũng không đủ để sắp xếp cho hàng hóa được chỉn chu. Ví dụ ở những cảng có cá ngừ thì dễ quản lý hơn các cảng có hải sản nhỏ, đa loài. Nhưng ở những cảng vào đa loài (cá nhỏ, mực, bạch tuộc…) thì khó quản lý, và đó là bài toán khó đặt ra cho các DN làm hải sản. Tôi vẫn trăn trở và mong muốn nên có những chợ đấu giá ở cảng. Nơi đó sẽ là nơi tập trung dữ liệu tàu thuyền vào. Dữ liệu này có thể cung cấp cho các yêu cầu đặt ra của châu Âu và những nước khác sau này áp dụng IUU nếu họ cần. Và Việt Nam cũng có được những dữ liệu quản lý mang tính chất tương đối, nhưng chưa tuyệt đối được vì cần thời gian để xây dựng những chợ đấu giá.
Mô hình Chợ đấu giá thủy sản đã ra đời từ lâu trên thế giới. Kênh tiêu thụ này đem lại nhiều lợi ích cho ngư dân cũng như người mua. Vì ngư dân sẽ không còn phụ thuộc vào thương lái cũng như sản phẩm sẽ không bị ép giá như trước kia. Người mua thì được trả giá và công khai cạnh tranh để có được sản phẩm chất lượng cao. Để định giá, người mua có thể dựa vào các thông tin chi tiết kèm trên sản phẩm gồm: loài, kích thước, chất lượng, vùng đánh bắt; tàu, ngày và ngư cụ khai thác.
Với các chợ đấu giá truyền thống trước đây, người mua tập trung tại phiên chợ trung tâm để trực tiếp kiểm hàng và đấu giá. Ngày nay với sự phát triển của khoa học công nghệ, người mua có thể trả giá ở bất cứ địa điểm nào mà không cần phải có mặt trực tiếp tại phiên chợ. Các thông tin về sản phẩm đã được đăng tải trên trang web trước 01 ngày để người mua tham khảo. Các giao dịch có thể thực hiện ngay cả khi tàu khai thác vẫn còn trên biển. Vì vậy sau khi hoàn tất giao dịch, tàu có thể cập cảng theo ý Người mua để đảm bảo độ tươi ngon và chất lượng tối ưu của sản phẩm. Như vậy có thể thấy, chợ đấu giá không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn đem lại hiệu quả cao về mặt kinh tế.
Đây cũng là cách hiệu quả để chúng ta thuyết phục được Châu âu rằng Việt Nam đang thực hiện một cách bài bản và cần có thời hạn hoàn thành.
Ngoài ra, tại các cảng cá cần trang bị đầy đủ cơ sở vật chất hạ tầng để đảm bảo được chất lượng nguyên liệu đánh bắt từ tàu lên bờ. Nguyên liệu dưới biển thì tươi nhưng khi lên trên bờ, chất lượng đã giảm và thậm chí bị chuyển thành cá tạp nếu bảo quản không tốt. Vô hình chung điều này làm lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên của nước ta.
Song song đó chúng ta cũng cần đẩy nhanh thực hiện các giải pháp nhằm giảm cường lực khai thác biển bằng cách chuyển đổi nguồn nhân lực qua nuôi trồng thủy hải sản – thúc đẩy nghề nuôi biển xa bờ để tăng sản lượng hải sản phục vụ xuất khẩu; tập trung giảm lượng tàu thuyền khai thác vùng lộng và ven bờ; tăng cường các biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp ngư dân sử dụng các ngư cụ có tính chất tận diệt nguồn lợi như chất nổ, xung điện, lưới kéo đơn, lưới kéo đôi, đánh bắt cá con,.....
2.2 Nhập khẩu nguyên liệu và tái tạo nguồn lợi hải sản trong nước
Đối với ngành hải sản cũng nên quan tâm đến nuôi trồng trên biển. Cần có đánh giá tác động của ngư trường để biết được loài sản phẩm ở trong biển của mình đang còn những gì. Ta cũng nên vận dụng nhập khẩu nguyên liệu để bảo vệ nguồn tài nguyên trong nước một thời gian đủ để tái tạo lại môi trường khi bị cạn kiệt. Chính phủ và các Bộ ngành cũng nên hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc nhập khẩu nguyên liệu phù hợp cho sản xuất xuất khẩu. Máy móc, nhà xưởng của Việt Nam không thua kém thế giới. Vì vậy, Chính phủ cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo vệ được công ăn việc làm cho công nhân và có nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp nhanh nhạy, đã kịp thời nắm bắt và triển khai thực hiện gia công hàng hóa cho các nước như Mỹ, Nhật, EU. Đây không phải cách để đứng lại nhưng là cách để chúng ta có thể học hỏi từ họ cách thức quản lý, sản xuất & kinh doanh – từ đó các doanh nghiệp này có thể tự đứng ra mua nguyên liệu để sản xuất và xuất khẩu đi bằng cách nhập khẩu nguyên liệu. Trong thời gian 5 – 10 năm, chúng ta có thể tận dụng để tái tạo lại nguồn lợi hải sản và xây dựng lại được hệ thống cơ sở hậu cần trên bờ. Ngư dân cũng chuyển dần sang nuôi trồng, hay chuyển đổi quy mô. Như Na Uy khi chuyển đổi thì Chính phủ đã thu mua lại các tàu nhỏ và hỗ trợ tiền cho ngư dân để họ có được tàu lớn hơn. Đó là chiến lược, chiến thuật cần thiết để phát triển ngành nghề.
Đối với doanh nghiệp, hiện nay việc cần làm là hệ thống lại các chứng chỉ phù hợp với thị trường. Bây giờ, thị trường quan tâm đến chứng chỉ trách nhiệm xã hội thì doanh nghiệp cần trang bị cho mình để khi thị trường cần là đáp ứng được ngay.
3. Unregulated – không theo quy định: đây chính là nội dung thứ ba trong IUU. Đối với nội dung này chúng ta cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật để người dân biết, tuân thủ thực hiện, không vi phạm khai thác IUU.
Về phía Hiệp Hội, nhân kỷ niệm 25 năm thành lập, trong giai đoạn tới theo tôi, VASEP cần tiếp cận và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Về hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ Châu Âu tại Barcelona năm nay VASEP tổ chức tốt nhưng Hội chợ Boston thì chưa đủ tầm, gian hàng còn hẹp. Để xúc tiến thương mại tốt hơn, VASEP phải đề xuất và thuyết phục Bộ Công Thương để tăng thêm kinh phí cho xúc tiến thương mại. Nếu nguồn kinh phí không đủ thì Hiệp hội có thể kêu gọi sự đóng góp từ các DN lớn đầu ngành để hỗ trợ DN nhỏ có thể cùng tham gia hội chợ xúc tiến thương mại.
Khó khăn hiện nay là khó khăn chung của toàn cầu nhưng đó không phải là điều đáng ngại vì thị trường có những giai đoạn thăng trầm. Vấn đề đáng lo ở đây nếu bài toán về khả năng cạnh tranh của ta không được giải quyết. Đây là lý do VASEP nên thúc đẩy các doanh nghiệp đi tham gia Hội chợ nhiều để biết mình đang đứng ở đâu, để doanh nghiệp có suy nghĩ và cách phát triển như thế nào. Không chỉ các Hội chợ lớn mà tham gia ở cả các Hội chợ nhỏ; không chỉ các doanh nghiệp lớn mà cả các DN vừa và nhỏ cũng phải cùng tham gia. Đây là điều cần thiết để các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước phát triển hơn. Đây cũng là nguồn doanh số đóng góp để sau này các doanh nghiệp nhỏ trở thành các doanh nghiệp lớn hơn trong tương lai.
Về hoạt động của Hiệp hội, các anh em văn phòng Hiệp hội rất tâm huyết và có trách nhiệm với các công việc đang thực hiện. Hiệp hội đang hoạt động tốt và chuyên nghiệp. Tôi đánh giá cao Hiệp hội có điểm sáng là tiếp cận và làm việc được với Chính Phủ & các Bộ ban ngành; lắng nghe, tổng hợp bất cập và đề xuất giải quyết vướng mắc kịp thời cho cộng đồng DN. Tuy nhiên, vấn đề lan tỏa ảnh hưởng của Hiệp hội đến tất cả các DN thành viên là chưa đủ. Hiệp hội cần làm nhiều hơn nữa, tiếp cận các DN vừa và nhỏ nhiều hơn nữa. Tôi nghĩ đó là việc rất cần vì DN vừa và nhỏ chưa có đủ sức và có thể chưa biết cách làm, Hiệp hội nên tiếp cận và chia sẻ để cho DN biết và có cơ hội phát triển hơn.
Nếu làm được những công việc mang tính “đại dự án” như trên thì Hiệp hội sẽ hỗ trợ được nhiều cho cộng đồng DN không chỉ khâu sản xuất mà cả khâu giống, nuôi trồng, thức ăn và khoa học công nghệ. Hiệp hội nên phối hợp hoặc tham gia cùng với các hội về nuôi trồng-giống-thức ăn để sản phẩm của Việt Nam luôn có giá cạnh tranh nhất ở mọi thời điểm. Đây là mong muốn của ngành, Hiệp hội và cũng là mong muốn của chính tôi. Lớn mạnh của Hiệp hội cũng là lớn mạnh của ngành hàng.