Xuất khẩu cá tra: Diễn biến trái chiều, doanh nghiệp lo lắng

Năm 2019, nhiều dự báo cho rằng, xuất khẩu cá tra sẽ tiếp tục thu trái ngọt sau khi liên tục tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy vậy, những diễn biến trái chiều về giá những tháng đầu năm cho thấy, để giữ vững và mở rộng các thị trường xuất khẩu (XK), cần rất nhiều nỗ lực của doanh nghiệp.

Kim ngạch XK tăng, giá giảm

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 2/2019, XK thủy sản cả nước đạt khoảng 1,13 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó, XK cá tra đạt 284 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018.

Nhưng trái ngược với xu hướng tăng kim ngạch XK, những tháng đầu năm 2019, giá cá tra có xu hướng “hạ nhiệt” sau khi đạt đỉnh vào cuối năm 2018.

Theo số liệu Bộ NNPTNT, tháng 1/2019, giá cá tra loại I tại trại đạt 29.000 - 29.500 đồng/kg, giảm so với mức đỉnh điểm giữa năm 2018 (34.000 đồng/kg) do nhu cầu thu mua nguyên liệu khá thấp. Sau Tết, giá cá tra nguyên liệu tiếp tục giảm về trung bình 28.000 - 28.500 đồng/kg.

Đến đầu tháng 3, tại An Giang, giá cá tra thịt trắng mua tại hầm, quầng với trọng lượng 0,8 - 1kg/con giảm về 27.000 - 28.000 đồng/kg, đến giữa tháng 3, tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giá cá tra còn 23.000 - 24.000 đồng/kg.

Bộ NNPTNT lý giải, giá cá tra nguyên liệu những tháng đầu năm 2019 liên tục giảm do nguồn cung gia tăng trong khi đơn đặt hàng vẫn ở mức thấp. Ước tính, sản lượng cá tra tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong 2 tháng đầu năm nay đạt hơn 157.000 tấn, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù giá cá tra trong nước đang có xu hướng đảo chiều đi xuống nhưng theo nhận định của Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT): Năm 2019, triển vọng của ngành chế biến, xuất khẩu cá tra khá vững chắc dù xuất hiện các rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại ở một số quốc gia.

Cụ thể, cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung là cơ hội tốt để DN Việt Nam có thể chiếm lĩnh thị phần cá thịt trắng tại Mỹ do sự thiếu hụt tạm thời cá rô phi ở thời điểm hiện tại. Với Trung Quốc, chính sách quản lý hoạt động biên mậu của Trung Quốc thay đổi có thể khiến các doanh nghiệp bị động nhưng cũng là cơ hội để chúng ta thay đổi phương thức sản xuất và quản lý để phát triển bền vững thị trường quan trọng này.

Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, năm 2019, XK cá tra phải đối mặt với không ít thách thức như: giá thành sản xuất cá tra nguyên liệu còn cao; truyền thông bôi nhọ tại một số thị trường tiêu thụ thủy sản...

Ngoài ra, với tốc độ tăng trưởng của thị trường Trung Quốc trong 3 năm trở lại đây (với mức tăng trưởng bình quân khoảng 6%/năm), dự báo nhu cầu về sản lượng cá nguyên liệu có thể tăng lên 2 triệu tấn sau 3-4 năm tới. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro nếu thị trường có biến động.

Nâng chất lượng, mở thị trường

Năm 2019, toàn ngành thủy sản đặt mục tiêu sản lượng nuôi cá tra đạt 1,51 triệu tấn, tăng 6,6% so với năm 2018; kim ngạch XK đạt trên 2,4 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2018.

Theo ông Doãn Tới - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nam Việt, để phát triển bền vững ngành hàng cá tra cần tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường... Về vấn đề này, đại diện Hiệp hội Cá tra Việt Nam khẳng định sẽ thúc đẩy cải thiện chất lượng ngành cá tra. Ngoài ra, cần tập trung phát triển các thị trường có sẵn, đặc biệt là ở 4 thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN với thị phần chiếm từ 50-60%.

Hiệp hội Cá tra Việt Nam cũng kiến nghị Bộ NNPTNT xem xét hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại thị trường trong và ngoài nước của ngành cá tra như tổ chức tham gia nhiều hoạt động xây dựng bản tin giá cả, bản đồ vùng nuôi cá tra, hội chợ, hội thảo kết nối DN mở rộng thị trường Mỹ, EU..., đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường: Ngành hàng cá tra đã tăng trưởng liên tục trong 3 năm gần đây, nguy cơ bùng phát dịch bệnh khá cao, trong khi chất lượng con giống vẫn chưa được cải thiện rõ nét...

Trước bối cảnh đó, ĐBSCL cần đánh giá thực trạng liên kết chuỗi ở địa phương, có giải pháp vận động, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi; kiểm soát tốt quy hoạch, không để xảy ra tình trạng tự phát tăng diện tích ươm nuôi vượt kiểm soát. Con giống có vai trò quan trọng, quyết định hiệu quả sản xuất, vì vậy, các địa phương, doanh nghiệp cần tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giống cá tra theo hướng Nhà nước và nhân dân cùng làm.

(Theo TGTT)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục