Ngành cá tra Việt Nam hiện đang có nhiều đối thủ cạnh tranh trên toàn thế giới, trong đó có các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia và Bangladesh vốn đã phát triển diện tích sản xuất cá tra từ nhiều năm.
Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngành cá tra Việt Nam hiện đang có nhiều đối thủ cạnh tranh trên toàn thế giới; trong đó có các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia và Bangladesh vốn đã phát triển diện tích sản xuất cá tra từ nhiều năm trước.
Mỗi quốc gia trên hiện chiếm từ 15-20% sản lượng cá tra nuôi toàn thế giới. Ngoài ra, hiện Việt Nam còn phải đối mặt với chính quốc gia nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc.
VASEP ước tính trong năm 2018, tổng sản lượng cá tra nuôi toàn cầu đạt 2,8 triệu tấn, tăng 6% so với năm trước đó; trong đó, sản lượng cá tra Việt Nam (tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long) chiếm khoảng 45% tổng sản lượng cá tra nuôi toàn cầu. Sản lượng thu hoạch của năm 2018 ước đạt gần 1,3 triệu tấn.
Tính đến tháng Ba năm nay, Trung Quốc có 20 nhà máy chế biến cá tra với năng lực sản xuất ước tính mới chỉ đạt khoảng 30.000 tấn/năm. Điều này cho thấy, một thời gian nữa, Trung Quốc có thể trở thành một trong những đối thủ cạnh tranh thực sự với cá tra Việt Nam.
Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh của cá tra Việt Nam không chỉ đánh giá riêng qua sản lượng. Các chuyên gia ngành cá tra cho rằng giải quyết vấn đề con giống và chất lượng sản phẩm mới có thể giải quyết vấn đề cạnh tranh về giá của cá tra.
Để làm được điều này, các địa phương sản xuất cá tra cùng doanh nghiệp tiến hành thực hiện dự án nuôi cá tra công nghệ cao tập trung với quy mô lớn 600ha tại tỉnh An Giang.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết dự án này sẽ bắt đầu vào quý 4 năm nay. Khi dự án đi vào hoạt động, mỗi năm khu nuôi cá tra thương phẩm này sẽ cung cấp khoảng 200.000 tấn cá tra nguyên liệu chất lượng cao phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam chia sẻ, khi cá tra Việt Nam nâng cao chất lượng, chinh phục được các thị trường khó tính trên thế giới, sản phẩm cá tra Việt sẽ “rộng cửa” lên sàn thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc, song song với sàn thương mại điện tử Amazon của Mỹ.
“Điều này cho thấy, tầng lớp trung lưu của Trung Quốc rất ưa chuộng sản phẩm nhập khẩu, nhất là sản phẩm tự nhiên. Đặc biệt là, khi hàng hóa có trên các trang thương mại điện tử, doanh nghiệp đã có cam kết về chất lượng.
Hơn nữa, sản phẩm nào đã được thị trường Mỹ, EU chấp nhận thì vào Trung Quốc dễ dàng hơn. Thông qua trang thương mại điện tử này, sản phẩm cá tra của Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội hơn tiến vào thị trường khổng lồ này,” ông Hòe cho biết.
(Theo TTXVN)