Hướng đi nào cho con cá tra?

Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra của An Giang nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung khi thị trường Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội để xây dựng hướng đi bền vững hơn cho loài cá đặc trưng này.

Điểm sáng trong khó khăn

Dù được kỳ vọng lớn nhưng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam chỉ đạt 1,9 tỷ USD, giảm 12% so năm 2018. Mục tiêu vực dậy ngành cá tra năm 2020 bị thách thức khi ngay từ đầu năm, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã gây tác động lớn.

Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, tháng 1-2020, xuất khẩu thủy sản cả nước ước đạt 556 triệu USD, giảm 25% so cùng kỳ năm 2019, trong đó xuất khẩu cá tra chỉ đạt 75 triệu USD, giảm tới 64%.

Việc Trung Quốc là tâm dịch Covid-19 đang gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra, khi năm 2019, đây là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, với tổng giá trị đạt 622,7 triệu USD, chiếm 31% tổng giá trị xuất khẩu.

Với nhu cầu sự tăng trưởng ổn định, giá tốt, chủng loại hàng hóa nhập khẩu và phân khúc thị trường đa dạng, nhiều DN chế biến cá tra Việt Nam vẫn coi Trung Quốc là thị trường chiến lược trong năm 2020. Vì vậy, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc bị gián đoạn, cá tra là mặt hàng chịu tác động nhiều nhất.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico) Nguyễn Văn Vỹ cho biết, đối với các DN cá tra có nhiều thị trường xuất khẩu, mức giảm bình quân hiện nay là 30%, riêng thị trường Trung Quốc, ảnh hưởng đến 100%. “Đối với cá hơn 1kg/con (chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc), gần như không xuất khẩu được.

Đối với cá dưới 1kg/con, vẫn xuất khẩu bình thường sang Châu Âu, Châu Mỹ. Chúng tôi dự báo, xuất khẩu cá tra còn khó khăn ít nhất đến hết quý II-2020. Nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt thì ngành cá tra có thể phục hồi dần từ quý III, quý IV và phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2020” - ông Vỹ đánh giá.

Đại diện Navico cho rằng, dù thị trường Trung Quốc vẫn còn khó khăn nhưng cũng có triển vọng mở ra cho ngành cá tra Việt Nam khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, trong khi Hoa Kỳ công nhận hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá tra Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu vào quốc gia khó tính này. “Liên minh Châu Âu (EU) và Hoa Kỳ tiêu thụ cá tra có kích cỡ từ 0,6kg đến dưới 1kg/con. Do vậy, không nên nuôi cá quá lớn nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu” - ông Vỹ lưu ý.

Chuẩn bị cho điều kiện phục hồi

Có thể thấy, EVFTA là điểm sáng mới trong bức tranh xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong đó có cá tra. Ghi nhận tháng 1-2020, trong khi phần lớn các thị trường xuất khẩu đều sụt giảm thì kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường EU tăng 13% so cùng kỳ, đạt 127 triệu USD.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng cá tra, VASEP cho rằng, các DN cần thường xuyên cập nhật thông tin từ đối tác Trung Quốc để tranh thủ thông quan các đơn hàng đặt trước ngay khi được phép, giảm thiểu chi phí bảo quản, kho bãi.

Tùy vào diễn biến thực tế, các DN chủ động điều chỉnh kế hoạch chế biến và thông tin cho các vùng nuôi điều chỉnh thời vụ, sản lượng nguyên liệu cho phù hợp, tránh tình trạng dư thừa nguyên liệu, gây thiệt hại cho người nuôi và DN.

Về lâu dài, cần có bước chuẩn bị tốt để đón đầu cơ hội xuất khẩu vào các thị trường có giá trị cao hơn nhưng đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe hơn. Trong đó, yếu tố quyết định đầu tiên là chất lượng con giống. Đây là yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, giá thành nuôi cũng như chất lượng cá tra nguyên liệu.

Hiện nay, cùng với nỗ lực gỡ khó cho thị trường xuất khẩu cá tra, An Giang đang chú trọng triển khai đề án giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL, trong đó có vai trò tham gia quan trọng của các DN lớn. Ông Vũ Đức Trí (Giám đốc Quản lý DN của Tập đoàn Việt Úc) cho biết, Công ty Cổ phần Cá tra Việt Úc (thành viên Tập đoàn Việt Úc) đang tập trung đầu tư dự án “Khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao” tại cồn Vĩnh Hòa (TX. Tân Châu, An Giang).

“Mở rộng thị trường và đầu tư chất lượng con giống là cách giải quyết những bất cập tồn tại lâu nay của ngành hàng cá tra Việt Nam. Nếu chọn hướng đi đúng, xuất khẩu cá tra có thể đạt 4-5 tỷ USD/năm, chứ không phải trên dưới 2 tỷ USD/năm như thời gian qua” - ông Trí đánh giá.

Để góp phần giải bài toán chất lượng con giống, Việt Úc đã đầu tư đàn cá tra 10.000 con bố mẹ hậu bị G2 (chuẩn bị bước vào giai đoạn G3), năm 2020 dự kiến sản xuất 20-25 triệu con cá giống. Mục tiêu của công ty là cung cấp 1 tỷ cá giống/năm cho thị trường trong những năm tiếp theo.

“Công ty đã đạt được thỏa thuận cung ứng điện cho vùng dự án Vĩnh Hòa, dự kiến cuối tháng 3-2020 sẽ đóng điện, tạo thuận lợi để mở rộng quy mô sản xuất. Dự án áp dụng chương trình sản xuất cá giống công nghệ cao trong nhà màng, giúp sản xuất được quanh năm, khắc phục ảnh hưởng thời tiết và tính mùa vụ.

Đồng thời, nghiên cứu được công nghệ cung cấp thức ăn tự nhiên cho cá giống. Đây là điều kiện để công ty duy trì cung ứng được nguồn cá giống chất lượng quanh năm cho các vùng nuôi, tránh tình trạng thiếu hụt con giống theo mùa vụ” - ông Trí khẳng định.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, xúc tiến thị trường mới, đầu tư chất lượng con giống và quản lý chặt vùng nuôi theo tiêu chuẩn xuất khẩu là những hướng đi cho ngành hàng cá tra mà An Giang đang tập trung thực hiện. Nếu có sự hỗ trợ đồng bộ từ Trung ương, ngành cá tra Việt Nam được kỳ vọng sẽ khắc phục được tình trạng bấp bênh, phát huy tốt lợi thế loài cá đặc hữu của dòng Mekong, được thiên nhiên ban tặng cho ĐBSCL.

(Theo báo An Giang)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục