Các doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu chính ngạch bằng đường biển hầu như không bị chậm trễ về hàng hóa sang Trung Quốc.Các công ty thủy sản lớn đã đa dạng hóa thị trường để tránh rủi ro thay đổi nhu cầu tại một thị trường cụ thể. Các chuyên gia nhận định nhu cầu thủy sản từ Trung Quốc có thể tăng nhưng không quá lớn.
Trước tác động của dịch bệnh nCoV, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc xuất hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc, trong đó có mặt hàng thủy sản. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lớn với phương thức xuất khẩu chính ngạch, đa dạng hóa thị trường gần như không chịu tác động từ việc hạn chế xuất khẩu vào Trung Quốc.
Đối với sản phẩm tôm, Chủ tịch Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FIMEX VN - HoSE: FMC ), một đơn vị thành viên của PAN Group, ông Hồ Quốc Lực cho biết thời điểm này là thấp điểm, cuối vụ nên ngành tôm không có nhiều nguyên liệu. Do đó sản lượng tôm xuất khẩu sang Trung Quốc không nhiều.
Với riêng Sao Ta, thị trường Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 0,5% với chỉ 1 container xuất đi mỗi tháng, hoàn toàn bằng đường chính ngạch trên biển. Sản phẩm của công ty chủ yếu xuất khẩu vào hệ thống nhà hàng ở Nhật Bản, một thị trường ngách với biên lợi nhuận cao.
Ông Lực cho rằng nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc có thể tăng nhưng không quá lớn, bởi Trung Quốc có sẵn thực phẩm dự phòng và đang bình ổn rất tốt. Ngoài thịt heo, Trung Quốc còn có lượng thịt bò lớn. Với thủy sản, Trung Quốc là nước xuất khẩu rất lớn, đặc biệt là cá rô phi, lượng cá này đang tồn trong nước lớn (do bị Mỹ áp thuế) đảm bảo được nhu cầu trong nước.
Đối với cá tra, Tổng giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn (VINH HOAN CORP - HoSE: VHC ) bà Nguyễn Ngô Vi Tâm cho biết công ty hiện chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch và vận chuyển toàn bộ bằng đường biển. Do vậy, hàng hóa của công ty vẫn giao đúng tiến độ và không bị tác động từ việc hạn chế thông quan ở các cửa khẩu đất liền.
Vĩnh Hoàn hiện là doanh nghiệp đầu ngành cá tra với đa dạng các thị trường. Trong đó, Mỹ - thị trường có biên lợi nhuận cao – mới là thị trường chủ lực của công ty. Trong khi Trung Quốc hiện chiếm khoảng 15% lượng xuất khẩu của Vĩnh Hoàn
Quan điểm tương tự, ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh của Công ty Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (HoSE: IDI ) - cho biết doanh nghiệp cũng không bị ùn ứ do xuất khẩu đường chính ngạch. Ông dẫn số liệu rằng công ty vừa qua đã xuất toàn bộ 12 container qua Trung Quốc bằng tàu biển.
Đánh giá về tình hình xuất khẩu thủy sản nói chung, ông Hải cho rằng dịch bệnh nCoV có thể làm giảm nhu cầu ngắn hạn nhưng sẽ phục hồi sau đó. Nhu cầu thật sự từ Trung Quốc phải đợi mở cửa khẩu hoàn toàn mới đánh giá được.
Hiện Trung Quốc là thị trường lớn nhất của IDI chiếm hơn 30% lượng xuất khẩu của doanh nghiệp. Ngoài ra, IDI còn xuất khẩu sang các thị trường Mexico (14%), Colombia (12%), Brazil (10%) và các nước châu Á khác như Ấn Độ, Thái Lan, Singapore...
Theo đại diện IDI, kế hoạch doanh thu xuất khẩu năm 2020 của công ty kỳ vọng tăng 25% nhờ tự chủ 100% nguồn nguyên liệu và chuẩn bị sẵn “kịch bản dự phòng” cho bất cứ thay đổi đột ngột nào từ nhu cầu thị trường.
Công ty Cổ phần Nam Việt (NAVICO - HoSE: ANV ) cho rằng việc xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đầu năm 2020 có thể bị chậm lại trước ảnh hưởng của dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây nên. Tuy nhiên, Navico cho rằng vấn đề này chỉ mang tính chất tạm thời và nhu cầu tiêu thụ khả năng cao sẽ tăng trưởng mạnh sau giai đoạn này.
Một số yếu tố có thể đẩy nhu cầu tiêu thụ cá tăng lên như dịch tả lợn châu Phi vừa qua đã làm giảm mạnh nguồn cung thịt lợn, cúm gia cầm H5N1 vừa khởi phát có thể sẽ làm giảm nguồn cung thịt gia cầm. Cá tra là nguồn đạm thay thế vừa túi tiền và không mang bệnh có thể được cung cấp nhanh chóng từ Việt Nam sang Trung Quốc trong vòng 7 ngày.
Nam Việt cho biết với khả năng tự chủ 100% nguyên liệu, công ty đã chuẩn bị cho bất cứ thay đổi đột ngột nào từ nhu cầu thị trường. Hiện Trung Quốc chiếm khoảng 30% sản lượng của ANV, ngoài ra còn có ASEAN (20%), châu Âu (14%), Mexico (9%)…
(Theo Người Đồng hành)