Đa dạng thị trường, Navico (ANV) vững kim ngạch xuất khẩu

Ông Doãn Chí Thiên, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nam Việt (Navico, mã chứng khoán ANV) cho biết, nhờ đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU và Đông Nam Á nên kim ngạch xuất khẩu của Nam Việt trong 2 tháng đầu năm 2020 tăng trưởng. Công ty sẽ tiếp tục đa dạng hóa thị trường nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng từ các thị trường lớn sụt giảm nhập khẩu do dịch Covid-19.

Tình hình xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, vốn chiếm 30,5% tổng doanh thu xuất khẩu năm 2019 của Navico, tới thời điểm này đã có tín hiệu tích cực hơn hay chưa, thưa ông?

Dịch Covid-19 từ khi khởi phát ở Trung Quốc đã ảnh hưởng nặng nề đến tình hình nhập khẩu hàng hóa của đối tác Navico tại Thượng Hải và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.

Diễn biến dịch ở Trung Quốc hiện ổn định hơn so với trước, tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc vẫn đang khuyến cáo người dân tự cách ly ở nhà và hầu như các nhà hàng đều đóng cửa hoặc hạn chế hoạt động.

Lượng hàng cá tra tồn kho ở Trung Quốc, theo dự đoán của tôi, có thể cung cấp cho nhu cầu nội địa đến hết tháng 4 năm nay.

Vì vậy, ít nhất là đến tháng 5 thì Công ty mới có thể phục hồi sản lượng xuất khẩu như cùng kỳ năm ngoái tại thị trường này.

Với diễn biến đó, Navico đã có giải pháp ứng phó ra sao, chẳng hạn tăng xuất khẩu sang các thị trường khác?

Từ cuối năm 2019, Hội đồng quản trị và Ban giám đốc Navico đã định hướng “không bỏ trứng vào một giỏ” nên yêu cầu phòng kinh doanh chia đều thị phần hoạt động, chứ không phụ thuộc riêng vào thị trường Trung Quốc.

Ðặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát, toàn bộ đội ngũ kinh doanh tích cực đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Nam Mỹ, EU và Ðông Nam Á.

ảnh 2

Số lượng container và doanh thu hàng tháng của Navico năm 2019

Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2020 của Navico tăng 26%, trong đó xuất khẩu sang EU tăng 55%, Ðông Nam Á tăng 101% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện dịch Covid-19 lan rộng ở Mỹ, EU... Các doanh nghiệp xuất khẩu đang đối mặt với nguy cơ các thị trường này sẽ tạm “đóng cửa”, hoặc sự chủ động tạm ngưng nhập hàng của các nhà nhập khẩu. Navico có sự chuẩn bị gì cho kịch bản này?

Navico chưa xuất khẩu sang Mỹ nên cũng không lo ngại. Về thị trường EU, do sự bùng phát dịch sau Trung Quốc nên nền kinh tế bị ảnh hưởng chậm hơn.

Hiện tại, EU vẫn đang mở cửa nhập khẩu và chưa có quyết định sẽ ngưng hàng, Navico tiếp tục tiêu thụ được hàng. Thời gian tới, nếu thị trường EU có diễn biến xấu hơn thì tôi kỳ vọng thị trường Trung Quốc bắt đầu phục hồi và có thể triển khai nhập hàng trở lại.

Trong kịch bản xấu nhất là cả EU và Trung Quốc đều tạm hoãn nhập hàng thì khó khăn là không thể tránh khỏi, nhưng chúng tôi vẫn còn có thị trường Nam Mỹ và Ðông Nam Á để đẩy mạnh xuất khẩu và một số thị trường khác mà từ trước tới giờ chưa có dịp hợp tác để khai phá.

Trường hợp thị trường Trung Quốc sớm hoạt động trở lại bình thường, cơ hội đối với Navico ra sao, thưa ông?

ảnh 3

Khả năng sinh lời, doanh thu và lợi nhuận 2004 - 2019 của Navico

Việc thị trường Trung Quốc hoạt động trở lại sẽ giúp Navico bù đắp phần sụt giảm từ các thị trường EU hay ASEAN khi dịch bắt đầu bùng phát tại các khu vực này. Ngoài ra, sau thời gian dài đóng cửa khẩu sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng hoá tại thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, Navico có đầy đủ khả năng về nguồn nguyên liệu, đáp ứng bất kỳ đơn hàng lớn nào một cách nhanh nhất.

Tình hình giá xuất đi các thị trường, ông có dự báo sẽ thay đổi như thế nào cho tới cuối năm?

Về các thị trường khác đang bùng phát dịch, do chưa biết thời điểm ổn định trở lại nên chưa thể đưa ra dự báo.

Riêng đối với thị trường Trung Quốc, sau khi phục hồi và đi vào ổn định, cho đến cuối năm nay, tôi kỳ vọng giá sẽ tăng từ 5 - 10% do nhu cầu thiếu hụt hàng hóa trong thời kỳ dịch bệnh.

Nhà máy của Navico có phải giảm công suất hoạt động, giảm số lượng công nhân và tiền lương hay không?

Thời kỳ này, công suất nhà máy có giảm so với thời kỳ trước khi bùng phát dịch. Tổng giám đốc Navico có chủ trương không tuyển thêm công nhân mới, nhưng cũng không sa thải công nhân cũ.

Thay vào đó, Công ty đưa ra lịch làm việc thay phiên, có chế độ nghỉ ngơi cho công nhân, chứ không làm toàn thời gian như trước, đảm bảo cho toàn bộ công nhân đều có thể đi làm và duy trì mức thu nhập ổn định, chính sách lương, thưởng không thay đổi.

Theo ông, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ gì cho các doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu nói chung, Navico nói riêng để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay?

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19. Trong Chỉ thị 11 có những biện pháp hỗ trợ mà chúng tôi cần trong giai đoạn này, nên Navico đã nộp đơn đề nghị được hỗ trợ.

Năm 2019, trong bối cảnh tình hình xuất khẩu ngành cá tra không tốt, Navico vẫn tăng trưởng xuất khẩu 2%, đạt 149,3 triệu USD. Ba thị trường lớn nhất là Trung Quốc - Hồng Kông, Đông Nam Á và châu Âu.

Trong đó, thị trường EU đạt kim ngạch xuất khẩu 20,8 triệu USD, chiếm 13,9%; thị trường Trung Quốc - Hồng Kông đạt 45,5 triệu USD (tăng 57%), chiếm 30,5%; thị trường ASEAN đạt 29,9 triệu USD, chiếm 20% tổng doanh thu xuất khẩu.

Chính nhờ cấu trúc thị trường xuất khẩu đa dạng đã giúp Navico hạn chế được các ảnh hưởng về rào cản thuế quan và kỹ thuật ngày càng siết chặt của các thị trường, các biến động địa chính trị phức tạp, hay các yếu tố bất ngờ như dịch Covid-19 hiện nay.

Trong năm 2019, Navico đã xuất tổng cộng 3.290 container, tăng 19%, với tổng doanh thu đạt 153,5 triệu USD, tăng 3% so với năm 2018. Con số doanh thu này là mức cao nhất 10 năm, mặc dù giá cá tra giảm mạnh so với mức đỉnh của năm 2018.

Lợi nhuận sau thuế năm 2019 của Navico đạt 704 tỷ đồng, tăng 17%, nhờ tăng sản lượng xuất khẩu; biên lợi nhuận sau thuế cải thiện từ mức 14,7% năm 2018 lên 15,7% năm 2019.

Navico là một trong số ít doanh nghiệp trong ngành có chiến lược đầu tư bài bản cho con giống, hướng đến cả hai mục tiêu: hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm. Hiện Navico có chuỗi giá trị tích hợp từ khâu sản xuất thức ăn, sản xuất cá giống, nuôi trồng, chế biến phi lê cá và chế biến phụ phẩm, với 100% nguồn cung cá tra nguyên liệu tự cung cấp.

Chính vì vậy, theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, dù giá bán thường biến động do các thay đổi trong nhu cầu cá tra tại các thị trường, khả năng kiểm soát chi phí nhờ tự chủ nguyên liệu đã giúp Navico duy trì được biên lãi gộp ổn định và ở mức cao trong ngành.

Từ năm 2012, khi Công ty tự chủ được 70% cá nguyên liệu, biên lợi nhuận gộp tăng dần và ổn định trong khoảng 13 - 15%, xấp xỉ biên lợi nhuận gộp của công ty đầu ngành là VHC.

Giai đoạn nhu cầu tăng tốt và ngành cá tra thiếu nguyên liệu kéo theo giá xuất khẩu tăng vọt năm 2018, Navico đã hưởng lợi lớn khi biên lãi gộp tăng mạnh lên 21%. Điều này cho thấy, chuỗi sản xuất khép kín của Navico là một lợi thế cạnh tranh bền vững.

Navico có 4 nhà máy chế biến phi lê cá tra với tổng công suất 1.200 tấn nguyên liệu/ngày. Năm 2019, doanh nghiệp đã khởi công dự án vùng nuôi trồng thuỷ sản công nghệ cao Bình Phú. Dự án có quy mô 600 ha, tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng, được triển khai trên 3 ấp là Bình Đức, Bình Quới và Bình Thới thuộc xã Bình Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.

Trên tổng thể 600 ha, dự án được chia thành 2 khu. Trong đó, khu sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao có diện tích 150 ha, vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản, nuôi cá tra thương phẩm có diện tích 450 ha, vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng.

Dự án được đầu tư trang thiết bị hiện đại, công nghệ sục khí nano và chất xúc tác bakture để xử lý nước trong ao nuôi. Bằng công nghệ này, trên toàn bộ diện tích của dự án sẽ không cần xả thải nước ao nuôi ra môi trường, không cần nạo hút bùn đáy ao bằng phương pháp cơ học như hiện nay.

Vùng nuôi bắt đầu thu hoạch một phần trong quý IV/2019 giúp mở rộng diện tích vùng nuôi của Công ty từ 330 ha lên 930 ha. Vùng nuôi có thể thu hoạch tối đa 250.000 tấn cá tra nguyên liệu/năm, so với sản lượng thu hoạch kế hoạch của Navico trong năm 2019 là 100.000 tấn

(Theo ĐTCK)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục