(vasep.com.vn) Tại Hội nghị Toàn thể Hội viên VASEP tổ chức sáng ngày 28/8/2019 tại T.P Hồ Chí Minh, các DN đại diện cho các ngành hàng đều có những chia sẻ, phản ánh về các khó khăn, vướng mắc của ngành hàng cũng như của từng DN trong sản xuất, XK, đưa ra một số kiến nghị nhằm tháo gỡ và thúc đẩy cho DN XK.
TS Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT công ty FIMEX VN đã có bài trình bày chia sẻ về cơ hội, thách thức của ngành tôm Việt Nam, các vấn đề tại từng thị trường chủ lực Mỹ, EU, đề xuất giải pháp cho từng thị trường.
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc công ty CP Vĩnh Hoàn, đại diện cho DN cá tra đưa ra một số ý kiến liên quan đến việc cân đối nguồn cung – cầu cá tra để tránh tình trạng thừa cung trong chu kỳ của ngành cá tra, vì vậy cần thiết có dữ liệu ngành đầy đủ và lũy kế theo chuỗi để đánh giá tình hình, áp dụng số hóa và có thông tin định hướng cho ngành; Ngoài ra, cần tăng cường khâu kiểm soát giống để đảm bảo chất lượng, chú trọng chất lượng cá XK sang thị trường Trung Quốc, đẩy mạnh XK chính ngạch, hạn chế XK mậu biên; đối với thị trường EU cần có thêm sự hỗ trợ từ các chuyên gia và nguồn lực bên ngoài để đẩy mạnh marketing, thúc đẩy thị trường…
Các DN cá tra khác như ông Ong Hàn Văn – công ty CP thủy sản Trường Giang đưa ra ý kiến lo ngại về tình trạng dư thừa nguồn cung cá tra, do không kiểm soát được diện tích ao nuôi, mật độ nuôi, nuôi cá vượt size…dẫn đến giá cá tra bấp bênh, vì vậy khuyến nghị người nuôi nắm được qui hoạch nuôi, giảm mật độ nuôi và tiến tới nuôi công nghệ mới như nuôi cá hồi, tránh thải nước ảnh hưởng đến môi trường. Ngoài ra ông cũng quan ngại về vấn đề biến đổi khí hậu và lương tối thiểu đang tác động đến ngành cá tra và DN chế biến cá tra.
Đại diện cho DN hải sản, trước lo ngại về nguồn lợi hải sản cạn kiệt và thực tế thẻ vàng IUU, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP, Chủ tịch UB Hải sản, GĐ công ty TNHH Hải Nam kiến nghị Chính phủ nên cho xây dựng chợ đấu giá để giải quyết nút thắt cổ chai của ngành vì thực trạng hầu hết nguyên liệu hải sản thu mua qua nậu vựa và thường không được làm giấy chứng nhận khai thác, xác nhận khai thác. Thứ hai cần quan tâm đến nuôi biển, dựa vào công nghệ cao cấp như của Na Uy, Đan Mạch để phát triển nguồn nguyên liệu cho ngành hải sản. Đối với các hiệp định CPTPP và EVFTA, trong cơ hội có nhiều rủi ro cho các DN vừa và nhỏ, đề nghị Chính phủ có đánh giá rủi ro thực chất để có sự hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ, nhất là khi các DN FDI tận đổ xô vào Việt Nam để tận dụng các hiệp định này.
Bà Cao Thị Kim Lan, Tổng GĐ công ty CP Thủy sản Bình Định (Bidifisco) đại diện DN cá ngừ có chia sẻ về thực trạng ngành cá ngừ, vấn đề khó khăn thị trường và tình trạng thiếu nguyên liệu dẫn đến phải NK nguyên liệu, đặc biệt cá ngừ đại dương thiếu nguyên liệu 60 – 70%, đặc biệt từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm nguyên liệu hầu như không có, do vậy hầu hết chế biến từ hàng NK. Do vậy, bà Lan kiến nghị có chính sách ổn định NK nguyên liệu để tạo điều kiện cho DN chế biến XK. Ngoài ra, nhà nước nên qui hoạch lại đội tàu đánh bắt xa bờ vì thực tế hiện nay số tàu đánh bắt hiệu quả chỉ chiếm 30 – 40%, còn lại bị thua lỗ hoặc phải nằm bờ. Bên cạnh đó cần nâng cấp các cảng cá để có nhiều hơn số cảng cá đạt chuẩn, thực hiện các thủ tục xác nhận, chứng nhận tốt hơn, tiến tới việc lập chợ đấu giá. Hiện nay các DN đang muốn giảm giá thành, tăng cạnh tranh, tái đầu tư, vì vậy đề nghị các bộ ngành tiếp tục rà soát các phí lệ phí trong hoạt động XNK, bỏ những khoản thực sự không cần thiết để tạo điều kiện cho DN nâng cao cạnh tranh.
Ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Baseafood cũng bày tỏ quan ngại về khó khăn của ngành hải sản: sản lượng cạn kiệt, chất lượng giảm, giá tại thị trường cao và áp lực từ vấn đề thẻ vàng IUU, vì vậy rất cần sự hỗ trợ của Bộ NN giúp DN tháo gỡ khó khăn. Thực tế doanh số XK hải sản ngày càng tăng nhưng, tỷ suất lợi nhuận ngày càng giảm. Vì vậy ông Dũng đề xuất các Bộ ngành, cơ quan quản lý cần giải quyết linh hoạt cho DN các vấn đề về thuế thu nhập DN cũng như việc kiểm tra nguyên liệu NK tại cảng, tránh làm tăng chi phí và mất thời gian của DN.
Hình ảnh đại diện các DN chia sẻ ý kiến tại Hội nghị: