Không để phụ thuộc vào một thị trường, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thanh long và cá ngừ đại dương đã nỗ lực nhiều hướng xuất khẩu
Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) vừa phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Pakistan tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến thanh long Việt Nam với các đối tác Ấn Độ và Pakistan 2021.
Tìm hướng đi mới
Hội nghị này được tổ chức ngay sau khi Bộ Công Thương có công văn gửi đến UBND các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang về việc Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long tại cửa khẩu Hà Khẩu, Thiên Bảo (Trung Quốc) hôm 30-7 vì cho rằng một số mẫu xét nghiệm lấy từ phương tiện vận chuyển và thùng đựng thanh long xuất sang nước này nhiễm SARS-CoV-2.
Tại hội nghị, cùng với một số tỉnh, thành phía Nam, các doanh nghiệp (DN) tại Bình Thuận đã giới thiệu với các đối tác tiềm năng, lợi thế xuất khẩu của trái thanh long Việt Nam. "Thông qua hội nghị, Cục Xúc tiến thương mại đã liên kết 12 DN Ấn Độ với 12 DN Bình Thuận. Hai bên sẽ kết nối, giao dịch để sớm đưa trái thanh long vào thị trường tiềm năng với hơn 1,4 tỉ dân của Ấn Độ" - ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, thông tin.
Cũng theo ông Tài, mặc dù đã đặt vấn đề xuất khẩu thanh long sang thị trường Ấn Độ từ năm 2018 nhưng đến nay thanh long xuất khẩu qua thị trường này chưa được bao nhiêu. Trong khi đó với thị trường Pakistan, các DN xuất khẩu thanh long Bình Thuận chỉ dừng lại ở bước tìm hiểu, thăm dò.
Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cho rằng hội nghị giao thương trực tuyến thanh long Việt Nam với các đối tác Ấn Độ và Pakistan 2021 sẽ mở ra một bước ngoặt mới cho DN xuất khẩu thanh long Bình Thuận. Hiệp hội sẽ làm việc với các thành viên để nhanh chóng thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường hai nước Nam Á này.
12 DN xuất khẩu thanh long ở Bình Thuận được liên kết đều là những DN có năng lực và kỹ thuật để xuất khẩu thanh long liên tục, bảo đảm chất lượng sang 2 thị trường nói trên.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết hiện đang là thời điểm cuối mùa thanh long chính vụ, nhiều nông dân đã bắt đầu chong đèn sản xuất nghịch vụ để kịp cung ứng cho các DN xuất khẩu thanh long vào Ấn Độ và Pakistan. Tỉnh Bình Thuận có 33.750 ha trồng thanh long, trong đó trên 10.000 ha đạt chứng nhận VietGAP và 517 ha đạt chứng nhận GlobalGAP. Sản lượng thanh long đạt gần 700.000 tấn trong năm 2020.
Mở rộng thị trường sang Bắc Phi, Nam Mỹ
Ngày 18/8, ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, cho biết cả nước có 17 DN với 24 nhà máy chuyên chế biến, xuất khẩu cá ngừ đại dương, tập trung nhiều nhất tại Khánh Hòa (17 nhà máy), còn lại ở Bình Định và Phú Yên.
Các DN đang rất nỗ lực trong việc tìm thị trường xuất khẩu, ổn định sản xuất trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cố gắng đạt tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ lên 648 triệu USD như năm 2020.
Theo ông Vũ Đình Đáp, so với 6 tháng đầu năm 2021, thị trường xuất khẩu cá ngừ đang có sự thay đổi. Hiện thị trường Trung Đông (chiếm 15% thị trường), Mỹ (chiếm khoảng 40%), EU (chiếm 14%) cơ bản vẫn giữ được ổn định. Các DN đang tìm cách mở rộng sang 2 thị trường Bắc Phi và Nam Mỹ. Đơn cử như Cộng hòa Chile, Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 4 cho quốc gia Nam Mỹ này với 10 DN cá ngừ tham gia (chủ yếu ở Khánh Hòa, Bình Định).
Về sản phẩm cá ngừ xuất khẩu cũng đang có sự chuyển biến. Sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU cấp hạn ngạch 11.500 tấn cá ngừ đóng hộp ưu đãi với 0% thuế, các DN đang chuyển dần qua các sản phẩm cá đóng hộp thay vì xuất khẩu cá ngừ phi lê như trước đây.
Tại Khánh Hòa, Công ty TNHH Hải Vương (có 5 công ty thành viên) hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy sản với các sản phẩm chủ lực từ cá ngừ đại dương. Năm 2021, DN đặt mục tiêu sẽ xuất khẩu khoảng 51.700 tấn sản phẩm cá ngừ đại dương và các loại cá biển.
Ông Nguyễn Văn Dư, thành viên Ban Giám đốc Công ty TNHH Hải Vương, cho hay thị trường EU do vẫn còn áp thẻ vàng nên các DN chủ yếu xuất khấu cá ngừ đóng hộp. Đối với các sản phẩm khác, công ty phải nỗ lực để bảo đảm xuất khẩu đúng đơn hàng, đúng tiến độ. Tuy nhiên, việc đội giá thành sản xuất khiến các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Đông cũng gặp khó khăn, công ty đề nghị nâng giá nhưng chỉ một số ít khách hàng đồng ý. Công ty đang xúc tiến thị trường các nước ở Bắc Phi, Nam Mỹ để ổn định kinh doanh.
Xuất khẩu tôm dự báo tăng giá tốt
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Việt Nam, tính đến ngày 15-7, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 1,9 tỉ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự kiến các nước khác chuyên cung ứng tôm chế biến sâu sẽ rơi vào hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19. Do đó, thời gian tới, những mặt hàng xuất khẩu tôm chế biến sâu sẽ tăng giá khá tốt. Hiệp hội này cho rằng để bảo đảm được tốc độ tăng trưởng trong những tháng tiếp theo, việc bảo đảm ổn định hoạt động nuôi tôm là rất cần thiết.
|
(Theo Người Lao Động)