Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nhãn hiệu tập thể (NHTT) có ý nghĩa rất lớn trong việc xây dựng thương hiệu cũng như tạo điều kiện cho các sản phẩm địa phương vươn ra các thị trường trong và ngoài nước. Vì vậy, việc nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác NHTT để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm địa phương cần được chú trọng.
Hiện nay, việc bảo hộ nhãn hiệu nói chung, NHTT nói riêng có vai trò rất quan trọng, giúp các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế tập thể sản xuất bền vững, tăng cường sức cạnh tranh, độc quyền của mỗi sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp ra thị trường; đồng thời giúp người tiêu dùng phân biệt được đặc điểm, chất lượng của từng sản phẩm.
Xây dựng NHTT
Theo số liệu thống kê của trang thông tin Cục Sở hữu trí tuệ, Phú Yên có 9 NHTT được Nhà nước bảo hộ gồm: Nước mắm Gành Đỏ, Nước mắm Long Thủy, Bánh tráng Đông Bình, Bánh tráng Hòa Đa, Cá ngừ Phú Yên, Bánh tráng Phú Yên, Nước mắm Phú Yên, Rượu Quán Đế, Khóm Đồng Din. Trong đó, Nước nắm Phú Yên, Bánh tráng Hòa Đa, Bánh tráng Đông Bình, Cá ngừ Phú Yên được hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ theo Quyết định 68/QĐ-TTg ngày 4/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp (gọi tắt là Chương trình 68); NHTT Rượu Quán Đế được hỗ trợ theo Quyết định 2204/QĐ-TTg ngày 6/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015. Các nhãn hiệu còn lại tổ chức tự đầu tư kinh phí để xác lập quyền.
Với vai trò cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về lĩnh vực đăng ký nhãn hiệu và sở hữu trí tuệ, Sở KH-CN chủ trì, phối hợp các sở, ban ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai các hoạt động KH-CN nhằm xây dựng nhãn hiệu cho một số nông sản có giá trị kinh tế cao, gắn bó với đời sống của người dân địa phương, tạo ra những sản phẩm mang tính đặc trưng của từng vùng, địa phương nhất định.
Ông Nguyễn Khắc Tân, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Phú Yên cho biết, Hiệp hội Cá ngừ Phú Yên là đơn vị quản lý NHTT Cá ngừ Phú Yên. Hiện hiệp hội có khoảng 10 hội viên là doanh nghiệp và 70 hội viên cá nhân. Để duy trì NHTT và quản lý tốt, khai thác hiệu quả, ngoài việc đưa ra các quy chế và cam kết thực hiện thì hội cũng là nơi kết nối các cơ sở sản xuất cá ngừ lại với nhau để cùng xây dựng thương hiệu cho cá ngừ Phú Yên. Ngoài ra, đơn vị cũng đẩy mạnh khâu tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các hộ sản xuất về tầm quan trọng của NHTT để từ đó, chính các thành viên sẽ là những người trực tiếp quản lý nhãn hiệu, xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm cá ngừ.
Đạt đã khó, giữ càng khó
Xây dựng, đăng ký nhãn hiệu từ đó phát triển thương hiệu là yếu tố cạnh tranh quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của các sản phẩm hàng hóa. Tuy nhiên có một thực trạng là việc đầu tư xây dựng thương hiệu cho sản phẩm địa phương còn nhiều hạn chế; nhiều cơ sở, cá nhân tham gia sản xuất chưa mặn mà với việc tạo dựng và gìn giữ NHTT dẫn đến việc sản phẩm hàng hóa phát triển thiếu bền vững và mai một dần thương hiệu.
Hội Nông dân TX Sông Cầu là chủ sở hữu NHTT Rượu Quán Đế. Năm 2014, Sở KH-CN tiến hành hỗ trợ thủ tục pháp lý để được cấp văn bằng bảo hộ. Đến năm 2015, văn bằng bảo hộ có hiệu lực và có 4 hộ ở TX Sông Cầu được phép sử dụng nhãn hiệu này. Tuy nhiên, năm 2017, cả bốn hộ trên đều không sử dụng NHTT này vì chúng không mang lại lợi ích như người dân mong muốn. Sau đó, ông Võ Trường Sơn TX Sông Cầu (không có trong danh sách 4 hộ ban đầu) xin được sử dụng nhãn hiệu và hiện nay là chủ sở hữu duy nhất của nhãn hiệu này.
Ông Nguyễn Tri Phương, Chủ tịch Hội Nghề cá Phú Yên cho biết, hội là đơn vị quản lý NHTT Nước mắm Phú Yên với 33 thành viên là cơ sở sản xuất nước mắm. Sau 10 năm duy trì NHTT, đến nay người dân không còn mặn mà với việc gia hạn giấy chứng nhận NHTT này. “Đăng ký nhãn hiệu thành công và được Nhà nước bảo hộ cho sản phẩm nước mắm Phú Yên không phải dễ dàng, vì vậy Hội Nghề cá đang nỗ lực vận động các cơ sở sản xuất duy trì nhãn hiệu này. Trong số 33 hộ kinh doanh, chỉ có 1 người còn mặn mà, những cơ sở còn lại không quan tâm vì muốn tự sản xuất, tự kinh doanh”, ông Phương cho biết.
Theo bà Lâm Vũ Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở KH-CN, việc bảo hộ cho NHTT phải trải qua nhiều giai đoạn. Bước một là xác lập quyền sởhữu NHTT, sau đó mới nâng cao hiệu quả quản lý, đẩy mạnh phát triển nhãn hiệu. Trong quá trình đó, Sở KH-CN sẽ hỗ trợ về mặt pháp lý để đăng ký nhãn hiệu cho những sản phẩm nổi bật của địa phương; còn việc quản lý như thế nào, sử dụng và phát triển NHTT ra sao thuộc về trách nhiệm của các chủ sở hữu. Tuy nhiên, sau khi đăng ký bảo hộ, một số NHTT chưa được quan tâm đầu tư, hỗ trợ để phát huy hơn nữa giá trị thương hiệu. Sở KH-CN sẽ tiến hành rà soát, khảo sát để có kế hoạch, biện pháp tăng cường quản lý và phát triển mạnh hơn nữa thương hiệu các sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng và uy tín một số đặc sản Phú Yên.
Cùng với sự hỗ trợ của ngành chức năng, các hộ sản xuất cần đổi mới tư duy, chủ động đề xuất xây dựng NHTT và có ý thức gắn lợi ích cá nhân với lợi ích chung để cùng phát triển trong quá trình khai thác, quản lý, phát triển NHTT. Có như vậy, các cơ sở sản xuất mới giữ vững được vị thế và khẳng định được tên tuổi trên thị trường.
Bà Lâm Vũ Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở KH-CN Phú Yên
|
(Theo báo Phú Yên)