Dự án Chuỗi liên sản xuất và tiêu thụ cá ngừ đại dương Bình Định giúp sản phẩm cá ngừ đại dương có đầu ra ổn định, giá bán cao
Cá ngừ đại dương là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản tỉnh Bình Ðịnh. Vì vậy, địa phương này đã không ngừng đưa ra giải pháp nhằm giúp ngư dân an tâm bám biển đánh bắt.
Khó "bay" sang Nhật
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Định, hiện địa phương này có hơn 3.200 tàu cá đánh bắt xa bờ, trong đó gần một nửa hành nghề câu cá ngừ đại dương với sản lượng khai thác khoảng 11.000 tấn/năm.
Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tìm đầu ra ổn định cho cá ngừ đại dương, giữa năm 2014, Bình Định triển khai đề án "Tổ chức khai thác, bảo quản, thu mua, xuất khẩu cá ngừ theo chuỗi", do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ.
Qua đó, JICA hỗ trợ thiết bị khai thác cá ngừ đại dương cho 25 ngư dân tham gia đề án, còn Bình Định chi hàng tỉ đồng hỗ trợ ngư dân mua sắm các thiết bị đánh bắt, bảo quản cá ngừ đại dương theo phương pháp hiện đại của Nhật Bản. Trong khuôn khổ đề án, Công ty CP Thủy sản Bình Định (Bidifisco) và Công ty Kato Hitoshi General Office Co., Ltd đã ký hợp đồng xuất khẩu cá ngừ đại dương sang Nhật Bản.
Sau đó, Bidifisco đã thu mua hàng trăm con cá ngừ đại dương được ngư dân đánh bắt theo công nghệ Nhật Bản với giá cao hơn thị trường 20% rồi xuất khẩu bằng máy bay để tham gia phiên đấu giá mỗi sáng tại quốc gia này. Tuy nhiên, việc xuất khẩu cá ngừ đại dương nguyên con từ Bình Định sang Nhật Bản sau đó không lâu đã phải dừng lại vì không hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Việt (ngụ xã Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn) - một trong những chủ tàu tham gia dự án thí điểm - cho hay ngư dân thao tác câu cá ngừ đại dương theo công nghệ chưa đồng bộ. Mặt khác, mỗi phiên biển kéo dài cả tháng nên khi tàu về đến bờ cá ngừ khó có thể đạt chất lượng cao.
Theo bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Bidifisco, khi tàu cập bến, doanh nghiệp sẽ chọn những con cá ngừ đại dương tươi ngon nhất đưa vào đóng gói. Sau đó, lô hàng được đưa đến sân bay Phù Cát để trung chuyển vào TP HCM lưu kho chờ chuyển sang Nhật Bản trên chuyến bay duy nhất lúc 0 giờ. Sau 6 giờ bay, chuyến cá đến Nhật khoảng 7 giờ thì đã trễ, cá phải gửi lưu kho thêm một ngày nữa đợi 3 giờ hôm sau mới đưa đến phiên chợ đấu giá.
Trong khi đó, một chuyến biển của đội tàu đánh bắt cá ngừ đại dương của Philippines kéo dài không quá 3 ngày. Đến ngày thứ 3, toàn bộ số cá mà đội tàu đánh bắt đều được vận chuyển về tàu hậu cần để bảo quản và tàu hậu cần lập tức quay về bờ rồi đưa lên máy bay đi sang Nhật Bản ngay trong ngày. Như vậy, cá ngừ đại dương của Philippines xuất khẩu sang Nhật Bản không phải tốn phí lưu kho, bảo quản, được bán ngay nên còn rất tươi.
"Phí vận chuyển và lưu kho rất lớn khiến cá ngừ đại dương của Bình Định không thể cạnh tranh được với cá ngừ đại dương các nước trong khu vực khi tham gia xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Đó là chưa nói đến thời gian đánh bắt kéo dài, lưu kho nhiều ngày nên chất lượng của cá ngừ đại dương Bình Định khi đến chợ đấu giá không thể sánh với cá ngừ đại dương các nước trong khu vực" - bà Lan phân tích.
Đề án mới, sinh khí mới
Mặc dù việc xuất khẩu cá ngừ đại dương nguyên con sang Nhật Bản không đạt hiệu quả như mong đợi nhưng đề án "Tổ chức khai thác, bảo quản, thu mua, xuất khẩu cá ngừ theo chuỗi" đã giúp ngư dân làm nghề câu cá ngừ đại dương ở Bình Định thuần thục việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Theo ngư dân Phạm Văn Hát (ngụ xã Hoài Hải, thị xã Hoài Nhơn), hiện hầu hết tàu câu cá ngừ đại dương ở Bình Định đều ứng dụng theo kỹ thuật của Nhật Bản. Tất cả ngư dân trên các tàu này đều biết sử dụng máy tạo xung Tuna Shocker để làm ngất cá, bảo quản cá bằng cách xả tiết, lấy nội tạng trước khi đưa vào hầm đá theo quy trình Nhật Bản. Nhờ vậy, chất lượng cá được bảo quản sau đánh bắt tốt hơn nhiều so với trước đây.
Chất lượng sản phẩm tăng nhưng không có đầu ra ổn định nên lâu nay hầu hết ngư dân bán cá ngừ đại dương cho đầu nậu với giá bấp bênh. Trước thực trạng này, vừa qua Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định đã phối hợp Công ty TNHH Thực phẩm Mãi Tín (doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản, trụ sở tại tỉnh Khánh Hòa) xây dựng dự án Chuỗi liên sản xuất và tiêu thụ cá ngừ đại dương Bình Định.
Mục tiêu của dự án nhằm tiến tới xây dựng chuỗi liên kết bền vững, sản phẩm cá ngừ đại dương có đầu ra ổn định, giá bán cao. Ngoài việc tăng thu nhập cho ngư dân, dự án còn hướng đến nâng giá trị nhãn hiệu "Cá ngừ đại dương Bình Định", tạo nguồn nguyên liệu chất lượng ổn định, đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu của doanh nghiệp.
Tham gia dự án có 30 tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân thị xã Hoài Nhơn. Những tàu này được tỉnh Bình Định hỗ trợ về tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí cho ngư dân đầu tư máy móc, thiết bị khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ Nhật Bản.
Doanh nghiệp chủ trì liên kết thực hiện dự án sẽ mua toàn bộ sản phẩm cá ngừ đại dương theo hợp đồng ký kết với các chủ tàu với giá cao hơn giá thị trường. Cụ thể, cá loại A được thu mua cao hơn 15.000 đồng/kg, loại B cao hơn 2.000 đồng/kg.
Hiện Công ty TNHH Thực phẩm Mãi Tín đã xây dựng xong giai đoạn 1 nhà máy chế biến tại Khu Kinh tế Nhơn Hội (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) với công suất 8.000 tấn/năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên nhà máy chưa hoạt động, vì vậy doanh nghiệp thu mua cá ngừ đại dương của ngư dân Bình Định đưa về chế biến tại nhà máy ở TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết trước đây cá ngừ đại dương do ngư dân Bình Định khai thác được xuất khẩu sang Nhật Bản bằng đường hàng không nên chi phí vận chuyển quá cao, không mang lại hiệu quả. "Nay sản phẩm của Công ty TNHH Thực phẩm Mãi Tín được phi-lê, cấp đông nhanh và xuất khẩu bằng đường biển nên chất lượng được bảo đảm và hiệu quả cho cao hơn" - ông Phúc nhận định.
(Theo báo Người lao động)