Những ngày đầu tháng 4, khi cái nóng đang lan tỏa mạnh ở đồng bằng, các vùng nuôi tôm ở các tỉnh phía nam tất bật cho vụ nuôi tôm mới, vụ chính của năm. Đó là thông lệ hàng chục năm qua.
Những ngày đầu tháng 4 này, tôi có dịp đi ngang những vùng nuôi tôm. Có điều gì đó khác thường, không gian khá yên ắng, nhất là không nghe được tiếng động từ những guồng quạt cung cấp oxy cho ao tôm. Cái gì cũng có cái lý của nó. Năm nay độ mặn trên sông ven biển về chậm, do các tháng đầu năm, nước ngọt thượng nguồn sông Cửu Long về nhiều, nước về nhiều do các đập thủy điện thượng nguồn dư nước nên xả mạnh. Thiếu độ mặn không thể thả tôm nuôi vì môi trường chưa đáp ứng. Song song là thời tiết diễn biến không ổn, mưa trái mùa kéo dài tới tháng 2 và nhiệt độ thấp. Một số ao thả nuôi sớm, nhất là khu vực ven biển nước nuôi đủ mặn, phát triển không tốt. Nguyên nhân còn bàn cãi do thời tiết hay do chất lượng con giống. Chắc bên nào cũng có phần!
Tôi gặp một số người nuôi tôm. Họ hỏi sao bây giờ tôm thương phẩm không nhiều mà giá tuần qua giảm hơn chục ngàn, khiến họ âu lo. Vào vụ giá tôm còn giảm bao nhiêu nữa, liệu nuôi còn lãi hay không khi các vật tư đầu vào, món nào cũng tăng giá. Tôi gặp các đại lý cung ứng, đầu tư người nuôi tôm thiếu vốn. Nghe câu nói thật lòng mà cảm thấy không yên lòng. Anh ta nói:” Giá tôm bán giảm nhưng giá thức ăn, con giống, thuốc… đều tăng, lãi suất lại tăng mạnh. Đầu tư trong hoàn cảnh này khó mà thu hồi nên chưa dám làm ngay, đợi tình hình coi sao!”. Nhà đầu tư chưa khởi động thì người nuôi ngồi nhìn trời là điều không khác được!
Những ngày tháng 4 này, tôi có dịp gặp những nhà cung ứng tôm giống, thức ăn tôm. Các mắt xích này cũng trong tâm thế… chờ, tiêu thụ sản phẩm của các mắt xích này chậm nhiều so với dự tính, dẫn đến tồn đọng và có thể thiệt hại vì không tiêu thụ kịp thời, như con giống chẳng hạn. Họ hy vọng tháng 4 nắng nóng, thuận lợi, sẽ thả giống nhiều hơn bù lại thời gian qua.
Những ngày tháng 4 này, tôi nghe các khách hàng tiêu thụ nói về dư âm các hội chợ thủy sản quốc tế lớn vừa diễn ra. Khách dự hội chợ tuy khá, nhưng đến để nắm bắt thông tin nhiều hơn để đàm phán các đơn hàng mới. Các kho hàng của các hệ thống phân phối chưa giải tỏa tốt ở dịp tiêu thụ lớn đầu năm mới. Họ cần bán để quay vòng vốn, dĩ nhiên phải là giá rất rẻ mới thu hút người tiêu dùng trong hoàn cảnh đồng tiền bị mất giá do lạm phát, suy thoái. Các cường quốc tôm có thể nuôi ở Nam bán cầu, như Ecuador, Indonesia, bắt đầu thu hoạch tôm, vì thời tiết ở đây tương phản Bắc bán cầu, tháng 10 họ có thể thả giống nuôi vì vào Xuân. Tình hình trên, lại dội chợ, tôm Indonesia đang chào bán, tính ra giá tôm nguyên con thương phẩm chỉ ở mức 100.000 đồng/kg cho cỡ 30 con. Trong khi giá tôm miền Tây hiện nay khoảng 140.000 đồng, sau khi đã giảm giá hơn chục ngàn.
Các nước khác bán tôm giá rẻ, vì đâu? Thiết nghĩ có nhiều yếu tố tác động, do giá thành tôm họ thấp hơn, do áp lực phải tiêu thụ nhanh hơn vì sản lượng thu hoạch lớn, không kho lạnh nào chứa xuể khi vào vụ. Câu hỏi tiếp theo, vậy họ có lãi không? Thiết nghĩ, có lãi, nhưng tập trung vào doanh nghiệp lớn, trang trại lớn vì với quy mô sản xuất lớn, sẽ có điều kiện giảm giá thành. Còn các hộ nuôi nhỏ lẻ, theo thông tin cũng chịu lỗ không nhỏ. Nhưng họ phải bán tôm theo mặt bằng giá chung và tương lai của họ là làm công cho trang trại lớn thôi.
Tôi nêu ra bức tranh không có màu sáng, nhưng chúng ta phải thẳng thắn đối diện hiện thực để có sách lược, giải pháp ứng xử kịp thời. Người nuôi tôm chúng ta đang bị đẩy ra “trận” đối đầu người nuôi tôm các nước. Bởi nếu người nuôi tôm chúng ta nuôi mà tỉ lệ thành công thấp, khiến giá thành tăng cao thì sao đối đầu nổi. Mặc dù người nuôi tôm chúng ta có bạn đồng hành là nhà chế biến có năng lực, bản lĩnh để tiêu thụ giá tốt hơn, mua giá tôm thương phẩm của người nuôi cao hơn, nhưng khó bù đắp khoảng cách chênh lệch giá thành, cái gốc do tỉ lệ nuôi thành công quá thấp.
Cho chắc ăn, tôi nhờ một Việt kiều Mỹ (anh Ngô Húa) tiêu thụ khá nhiều tôm Ecuador tìm hiểu thông tin. Tỉ lệ nuôi thành công ở Ecuador dao động 80 - 87%; thức ăn dao động 1 - 1,2 USD/ kg tuỳ hàm lượng đạm. Tỉ lệ nuôi thành công của ta dưới 40%, có nghĩa là năng suất chỉ bằng một nửa của Ecuador. Họ cũng cho rằng họ nuôi thành công căn bản nhờ con giống quốc gia được tập trung lai tạo, gia hoá có nhiều tính trội bền vững như sức đề kháng tốt và tăng trọng nhanh. Thật ra để ao nuôi thành công còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác, nhất là chất lượng nước nuôi. Trong khi tình hình con giống trôi nổi của chúng ta còn nhiều và nguồn nước nuôi có xu thế ngày càng xấu đi.
Những ngày đầu tháng 4 này nghe tin trên đài quý 1 kim ngạch xuất khẩu tôm giảm khoảng 40%, hợp tình thôi. Nghe tin các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu khó khăn còn kéo dài, hợp tình thôi vì chưa có dấu hiệu kinh tế thế giới chuyển qua giai đoạn phục hồi. Nghe trên đề ra chỉ tiêu tiêu thụ cho ngành tôm chỉ bằng năm rồi, không tăng trưởng, hợp tình thôi bởi khả năng giá tiêu thụ thấp; thậm chí sản lượng nuôi, chế biến, xuất khẩu cũng giảm.
Tháng 4 đầy bâng khuâng nhưng mặn đang về và nắng nóng đang sáng lên từng ngày, ít nhiều tiếp thêm năng lượng, lòng tin vào vụ tôm mới, dù như thế nào cũng không đến nỗi. Nhưng không thể nói suông. Các doanh nhân tôm đang tất bật hơn bao giờ hết, chen chân các hội chợ thủy sản lớn trên thế giới, tìm cơ hội kinh doanh, dù nhỏ nhất. Sách lược cạnh tranh không chỉ chăm lo giảm giá thành; còn phải tập trung đáp ứng đòi hỏi xu thế người tiêu dùng; còn nỗ lực tạo ra những mặt hàng mới ngon thơm hơn, phối chế tiện ích hơn… Và hơn tất cả, về lâu dài, trông chờ vào tầm nhìn và chiến lược và trước mắt trông chờ những giải pháp hỗ trợ kịp thời, thiết thực từ Chính phủ và cơ quan liên quan. Riêng các mắt xích trong chuỗi giá trị con tôm nên chung tay, chia sẻ ngọt bùi và hết lòng nỗ lực vượt qua thử thách khắc nghiệt này.
TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN