(vasep.com.vn) Đạo đức kinh doanh (ĐĐKD) là phạm trù đạo đức được vận dụng vào lĩnh vực kinh doanh. ĐĐKD là một tập hợp những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực đạo đức hoặc luật lệ có tác dụng chỉ dẫn, điều chỉnh và kiểm soát hành vi nhằm bảo đảm chuẩn mực và sự trung thực trong hoạt động của chủ thể kinh doanh. ĐĐKD không tách rời nền tảng của nó là đạo đức xã hội chung và phải chịu sự chi phối bởi một hệ giá trị và chuẩn mực đạo đức xã hội. ĐĐKD có hai nguyên tắc và chuẩn mực hàng đầu là tính trung thực và sự tôn trọng con người.*
Nguyên tắc trung thực thể hiện ở chỗ chủ doanh nghiệp (DN) chấp hành nghiêm túc luật pháp và những thỏa thuận trong các hợp đồng đã thỏa thuận. Cụ thể đối với luật pháp chủ DN không trốn thuế, trả tiền vay ngân hàng đúng hạn... Với đối tác và người tiêu dùng chủ DN không làm hàng kém phẩm chất, không làm hàng gian hàng giả, không vi phạm bản quyền, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa.
Nếu là hàng xuất khẩu phải tuân thủ theo luật pháp nước sở tại và sản phẩm đáp ứng thị hiếu, nhu cầu…người tiêu dùng. Về mặt xã hội chủ DN không vi phạm, làm ô nhiễm môi trường tự nhiên lẫn môi trường xã hội (không cung ứng văn hóa độc hại, không cung ứng sản phẩm gây tác động xấu lên sức khỏe con người tạo hệ quả xấu cho xã hội như buôn bán chất gây nghiện…). Với đồng nghiệp không sử dụng các hành vi cạnh tranh gian xảo, không lành mạnh. Hiện nay nội dung tham nhũng, hối lộ trở thành yếu tố bổ sung cho chuẩn mực trung thực đang nêu. Nguyên tắc tôn trọng con người đòi hỏi chủ DN phải tôn trọng phẩm giá, quyền lợi chính đáng của người lao động (thù lao, bảo hiểm các loại,..); bảo đảm đủ bảo hộ lao động và điều kiện an toàn lao động; tôn trọng nhu cầu, sở thích và tâm lý khách hàng; gắn lợi ích của DN với lợi ích của khách hàng và xã hội; coi trọng hiệu quả kinh doanh gắn với trách nhiệm xã hội.*
ĐĐKD như một bộ phận cấu thành quan trọng nhất của văn hóa DN, là yếu tố nền tảng tạo nên sự tin cậy của đối tác, khách hàng và người tiêu dùng đối với DN. ĐĐKD chính là cơ sở để bảo đảm từ lãnh đạo đến toàn thể người lao động trong DN có những ứng xử đúng chuẩn mực đạo đức, qua đó không ngừng nâng cao hình ảnh, uy tín và thương hiệu của DN. Sự tồn vong, phát triển cũng như lợi nhuận của DN chính là do người tiêu dùng quyết định, do đó DN muốn đạt được tỷ suất lợi nhuận cao và thành công bền vững thì phải xây dựng được nền tảng ĐĐKD cho DN mình. Cho nên việc xây dựng và thực thi ĐĐKD là nhân tố đem lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp. Mặt khác, trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, khi mà DN Việt nói riêng, nền kinh tế Việt nói chung trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu, là một bộ phận không tách rời của thị trường toàn cầu và người tiêu dùng có quyền và khả năng rộng rãi lựa chọn sản phẩm hàng hóa và dịch vụ phù hợp nhất cho mình thì văn hóa doanh nghiệp nói chung, ĐĐKD nói riêng trở thành một yêu cầu quan trọng nhất, là kim chỉ nam để DN đi đúng đường. Tóm lại, xây dựng và thực hiện ĐĐKD trở thành yếu tố hàng đầu để duy trì, phát triển DN.
Nhìn lại trong thực tế, thời gian qua và ngay hiện tại trong xã hội ta, vô số hành vi thiếu ĐĐKD đang diễn ra hàng ngày. Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng chứa dư lượng độc hại vẫn tràn lan trên thị trường, len vào từng nhà. Gần đây nhất, vụ làm xăng giả quy mô lớn, thu lợi bất chính hàng ngàn tỷ đồng, đã làm thiệt hại, gây rủi ro cho biết bao người. Tất cả vì đồng tiền, vì lòng tham không đáy. Kinh doanh, bản chất là kiếm tiền. Nhưng kiếm tiền phải trên chuẩn mực đạo đức, đó là ĐĐKD, bộ phận nền tảng của văn hoá doanh nghiệp.
Ngành chế biến thuỷ sản có lịch sử đi liền hoạt động kinh tế đất nước. Vài chục năm trước cũng đầy tai tiếng như: huỷ ngang hợp đồng, cung ứng hàng chất lượng kém, cạnh tranh không lành mạnh, chăm lo người lao động còn hờn hợt, thiếu ý thức trách nhiệm xã hội... Cùng với sự đi lên của nền kinh tế, ngành chế biến thuỷ sản phát triển song hành, đồng thời sàng lọc đội ngũ. Không ít DN phá sản đi liền DN mới hình thành. Chủ lực ngành là tôm và cá tra. Ở đây nói về ngành tôm. Điều đáng khen là càng về sau này, các DN tôm càng thể hiện tốt đạo đức trong kinh doanh. Đó là một yếu tố khá cơ bản để ngành tôm có diện mạo khá sáng sủa ngày hôm nay. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động không ngừng phát sinh nhiều vấn đề mới. Thí dụ như rủi ro bất ngờ, như cơ hội kinh doanh chợt đến… Tất cả phải được ứng xử trên nền tảng chuẩn mực của ĐĐKD. Mọi sự chệch đường do lòng tham hay ý đồ lệch lạc nào đó dễ dẫn đến bóc ngắn cắn dài và có thể làm ảnh hưởng cả ngành.
Từ thực trạng ĐĐKD và những nguyên nhân của tình trạng yếu kém trong thực thi ĐĐKD hiện nay, các yếu tố cần chú ý để xoay chuyển tình hình này là:
1. Hoàn thiện khung luật pháp nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho đạo đức kinh doanh.
2. Tăng cường phổ biến và giáo dục về ĐĐKD cho các chủ DN, hộ cá thể… để họ có nhận thức đúng và đầy đủ về các quy định luật pháp, trách nhiệm cũng như ĐĐKD.
3. Tuyên truyền người tiêu dùng ý thức quyền lợi và trách nhiệm của mình, nói không với sản phẩm không đạt chuẩn.
4. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông rộng rãi về vấn đề ĐĐKD, khuyến khích báo chí vào cuộc nhằm phát hiện và đưa ra công luận những cá nhân và DN có hành vi vi phạm pháp luật và ĐĐKD, đồng thời nêu những tấm gương điển hình tốt về những cá nhân và DN có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng và thực hiện ĐĐKD để mọi người học hỏi.
Tóm lại, ĐĐKD là một vấn đề nóng trong xã hội ta hiện nay. ĐĐKD kém dẫn đến thiệt hại hữu hình lẫn vô hình rất lớn cho đất nước. Để xoay chuyển, toàn xã hội phải vào cuộc, trong đó hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và được thực thi nghiêm khắc là yếu tố hàng đầu song song với sự giáo dục, vận động tới các cơ sở kinh doanh về ý thức trách nhiệm và ĐĐKD. Người tiêu dùng và các cơ quan truyền thông cùng vào cuộc, góp phần mạnh mẽ hơn nữa để hàng hóa xấu, cái xấu phải bị đẩy lùi, không còn đất sống.
Ghi chú*: Bài có sử dụng thông tin trong bài viết Vai trò của đạo đức kinh doanh trong phát triển doanh nghiệp” thực trạng và giải pháp” của ông Trần Trọng Toàn, PCT TT Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam.
TS Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN