Xuất khẩu tôm tháng 9/2021 tiếp tục giảm, doanh nghiệp nỗ lực phục hồi sản xuất

(vasep.com.vn) Từ tháng 8 năm nay, XK tôm Việt Nam bắt đầu giảm mạnh do sản xuất bị ảnh hưởng vì tỷ lệ nhiễm Covid-19 mới ở ĐBSCL gia tăng. Sang tháng 9, XK tôm sang hầu hết các thị trường chính vẫn tiếp tục giảm tuy nhiên đà giảm đã thấp hơn. Việc nới lỏng giãn cách từ giữa tháng 9 đã giúp doanh nghiệp từng bước khôi phục sản xuất sau dịch bệnh tuy vậy doanh nghiệp vẫn phải “canh cánh” nhiều nỗi lo về nguồn lao động, chi phí, đảm bảo phòng chống dịch để sản xuất an toàn…

Sản xuất và XK tôm nửa cuối tháng 9/2021 đã có dấu hiệu tích cực hơn nhất là tại một số tỉnh trọng điểm về tôm như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Nhờ tỉnh chỉ đạo kiểm soát dịch bệnh tốt, doanh nghiệp vừa nỗ lực chống dịch vừa cố gắng duy trì sản xuất.

Tại Sóc Trăng, từ giữa tháng 8/2021, sau 4 tuần tổ chức sản xuất 3 tại chỗ, các DN trong tỉnh được đưa đón lao động từ các vùng xanh, số lao động đi làm tăng dần theo tình hình phòng chống dịch của tỉnh ngày càng có kết quả khả quan hơn. Đến giữa tháng 9/2021, tỉnh Sóc Trăng công bố trở lại bình thường, lực lượng lao động tại các nhà máy cũng tăng cao hơn.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 9/2021, XK tôm Việt Nam giảm 20% đạt 308,5 triệu USD. Tốc độ giảm đã thấp hơn so với tháng 8/2021. XK tôm sang một số thị trường đã có dấu hiệu phục hồi nhẹ: XK sang thị trường Mỹ trong tháng 9/2021 đã tăng 8% so với cùng kỳ, XK sang EU trong tháng 9 đã ghi nhận đà giảm thấp hơn so với tháng 8, XK sang thị trường Hàn Quốc tăng 4%. XK sang các thị trường còn lại trong top 10 thị trường chính vẫn giảm mạnh trong tháng 9.

Xuất khẩu tôm tháng 92021 tiếp tục giảm doanh nghiệp nỗ lực phục hồi sản xuất

Tính đến hết tháng 9/2021, XK tôm đạt 2,76 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ trong đó tôm chân trắng tăng 10% đạt 2,13 tỷ USD, trong khi tôm sú giảm 1,7% đạt 422,5 triệu USD. Trong cơ cấu các sản phẩm tôm XK của Việt Nam, tôm chân trắng chiếm 77,2%, tôm sú chiếm 15,3%, còn lại tôm biển với 7,5%.

Trong số các sản phẩm tôm chân trắng và tôm sú XK tính tới tháng 9 năm nay, duy nhất giá trị XK tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh (HS 03) tăng 20%, các sản phẩm còn lại đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu các sản phẩm tôm chân trắng có giá cả vừa phải tăng cao trong mùa dịch bệnh Covid-19.

Thị trường Mỹ

Sau khi giảm trong tháng 8, XK tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 9/2021 phục hồi nhẹ, tăng 8% đạt 97,6 triệu USD. Lũy kế 9 tháng đầu năm, XK tôm sang Mỹ đạt trên 775 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ.

Nhu cầu NK tôm của Mỹ vẫn cao, nhất là khi thị trường này đang mở cửa trở lại hậu Covid và các dịp lễ cuối năm đang tới gần. Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), NK tôm của Mỹ tiếp tục tăng trong tháng 8/2021. Tháng 8 là tháng thứ 9 liên tiếp, NK tôm của Mỹ ghi nhận tăng trưởng dương. Mỹ NK 89.407 tấn tôm tôm, trị giá 822,9 triệu USD trong tháng 8/2021, tăng 8% về khối lượng và 17% về giá trị so với 82.427 tấn, trị giá 701,6 triệu USD trong tháng 8/2020.

NK tôm của Mỹ từ Ecuador liên tục tăng mạnh từ đầu năm nay. Tuy nhiên, theo chuyên gia, tốc độ tăng trưởng XK tôm Ecuador sang Mỹ sẽ khó duy trì được trong thời gian tới do thiếu nguyên liệu để chế biến, tạo cơ hội cho tôm Việt Nam.

Thị trường EU

XK tôm Việt Nam sang EU trong tháng 9/2021 giảm 15% đạt 48,8 triệu USD. Dù vẫn giảm tuy nhiên tốc độ giảm đã thấp hơn so với tháng 8. 9 tháng đầu năm nay, XK tôm sang thị trường này đạt gần 408 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ. Ba thị trường NK chính trong khối là Đức, Hà Lan và Bỉ. Tính tới tháng 9 năm nay, XK sang Đức và Bỉ tăng lần lượt 22% và 2%, XK sang Hà Lan giảm 1%.

Lượng tôm dự trữ của EU đang ở mức thấp, nhu cầu NK của thị trường này rất cao từ nay đến tháng 11 để phục vụ Noel, cùng với Hiệp định thương mại tự do với EU sẽ là cơ hội cho các nhà XK tôm Việt Nam sang thị trường này.

Từ tháng 10/2021, dòng người lao động từ Tp.Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ tự phát đi về quê hương ở các tỉnh ĐBSCL khiến cho các khu cách li bị quá tải, số ca F0 tăng mới tăng thêm áp lực cho các DN chế biến XK tôm tại đây. Tuy nhiên, cho tới nay, sau nỗ lực của cả chính quyền địa phương và DN, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Sóc Trăng và các tỉnh miền Tây đã phần nào được kiểm soát. Trước tình hình này, các DN chế biến, XK tôm cần phải nỗ lực, cảnh giác cao độ để duy trì sản xuất, đáp ứng các đơn hàng cho khách vào dịp lễ cuối năm.

Chia sẻ:


Kim Thu
Chuyên gia thị trường Tôm
Email: kimthu@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 – ext.203

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm