Xuất khẩu tôm: Nắm cơ hội để bứt phá

Dự báo kim ngạch xuất khẩu tôm trên thế giới tiếp tục phục hồi và tăng trưởng mạnh trong năm 2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 10-12%. Trong đó, tăng trưởng do yếu tố giá đóng góp khoảng 7-10% và tăng trưởng do sản lượng tăng đóng góp 2-5%.

Nhiều cơ hội

Năm 2022, ngành thủy sản phấn đấu sản xuất khoảng 260.000 - 270.000 con tôm bố mẹ (tôm thẻ chân trắng 200.000-210.000 con, tôm sú 60.000 con); tôm giống khoảng 140-150 tỷ con (tôm thẻ chân trắng 100-110 tỷ con và tôm sú 30-40 tỷ con). Diện tích nuôi tôm đạt 750.000 ha; sản lượng tôm các loại đạt 980 nghìn tấn, trong đó tôm sú 275 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 675 nghìn tấn, còn lại là tôm khác. Kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 4 tỷ USD.

Chú thích ảnh

Chi phí con giống đang là thách thức đối với ngành tôm

Để đạt được kế hoạch trọng tâm năm 2022, ngành thủy sản nhấn mạnh giải pháp triển khai có hiệu quả thực hiện Luật Thủy sản 2017, đặc biệt là quan tâm chỉ đạo triển khai đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng). Đối với các doanh nghiệp (DN), người nuôi tôm nâng cao chất lượng sản phẩm; hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất; áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận: VietGAP, GlobalGAP, ASC, … để nâng cao giá trị sản phẩm.

Đánh giá về triển vọng xuất khẩu tôm trong năm 2022, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, năm 2021, Việt Nam xuất khẩu tôm sang 103 thị trường, với hơn 500 DN tham gia xuất khẩu. 97% kim ngạch xuất khẩu tập trung ở nhóm 8 thị trường chính gồm Mỹ, CPTPP, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Nga.

Đặc biệt, tôm Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ lần đầu tiên đạt trên 1 tỷ USD, với sản lượng gần 90.000 tấn, tăng 20% so với năm 2020. Dự báo năm 2022, xuất khẩu tôm sang Mỹ sẽ tiếp tục tăng và đây vẫn sẽ là thị trường lớn nhất.

Quy hoạch vùng nuôi tôm bền vững

Mặc dù có nhiều tín hiệu khả quan, xong ngành tôm vẫn được dự báo sẽ đối mặt với những khó khăn, thách thức như xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, chất lượng con giống, giá cả thị trường, dịch bệnh, giá vật tư đầu vào tăng cao…

Đề cập đến những thách thức, ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhận định, ngành sản xuất nuôi tôm vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do chi phí thức ăn cho tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ cao (khoảng trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp); chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ; giá cước vận chuyển vật tư tăng cao.

Điều tra mới đây của Liên minh Thủy sản toàn cầu (GAA), sản lượng tôm của thế giới năm 2021 tăng khoảng 8,9% so với năm 2020 và dự đoán năm 2022 vẫn tiếp tục tăng. Đây sẽ vừa là cơ hội và cũng là thách thức đối với ngành tôm Việt Nam bởi khi đó sự cạnh tranh sẽ gay gắt hơn, giá tôm nguyên liệu thế giới có xu hướng giảm sẽ gây áp lực lớn cho ngành tôm nước nhà; cùng với đó là sự thay đổi về quy định kiểm dịch đối với sản phẩm nhập khẩu ở nhiều quốc gia, những cảnh báo về an toàn thực phẩm…

Để thúc đẩy ngành tôm Việt Nam phát triển nhanh và mạnh hơn nữa, Vasep cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành cần quan tâm, chú trọng thúc đẩy phát triển ngành hàng này và có chương trình hành động quốc gia thúc đẩy phát triển tới năm 2025. Cùng với đó cần nhanh chóng quy hoạch vùng nuôi tôm quy mô ở từng địa phương nhằm phát triển xanh, bền vững. Đây là giải pháp lớn trong chiến lược phát triển ngành tới năm 2030. Có quy hoạch hoàn thiện sẽ giảm rủi ro trong việc nhiễm chéo; trong việc cung ứng đủ nước nuôi; xử lý nước thải nuôi nhằm hạn chế tác động xấu môi trường.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng cho rằng, dù có diện tích nuôi tôm rộng lớn nhưng năng suất, sản lượng đạt được còn giới hạn. Vùng nuôi còn nhiều thách thức về điều kiện hạ tầng, con giống, môi trường… Chính vì vậy, năm 2022, để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu vượt mốc trên 4 tỷ USD các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ NN&PTNT và các địa phương cần nhận diện khó khăn, tồn tại. “Bộ sẽ ghi nhận đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm, quản lý nâng cao chất lượng tôm giống. Giải pháp giảm giá thành sản xuất tôm nuôi, đầu tư hạ tầng vùng nuôi, giải pháp công nghệ vùng nuôi tôm quảng canh... để ngành tôm hướng tới phát triển bền vững” – ông Tiến cho biết.

“Dự báo kim ngạch xuất khẩu tôm trên thế giới sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng mạnh trong năm 2022. Xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 10-12%. Trong đó, tăng trưởng do yếu tố giá đóng góp khoảng 7-10% và tăng trưởng do sản lượng đóng góp 2-5%”. Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam

(Theo Đại đoàn kết)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm