Xuất khẩu thủy sản lập kỳ tích nhờ nuôi trồng

Năm 2022, dự kiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 10 tỉ USD, trong đó đóng góp lớn nhất là hai mặt hàng thủy sản nuôi là tôm và cá tra với hơn 6 tỉ USD.

Xuất khẩu thủy sản lập kỳ tích nhờ nuôi trồng - Ảnh 1.

Anh Huỳnh Nhang Thiện Trúc - ngụ xã Vĩnh Chánh, huyện Thoại Sơn, An Giang - đang cho cá tra ăn 

Theo các chuyên gia, Việt Nam có tiếp tục duy trì được tốc độ xuất khẩu và vươn lên tốp đầu thế giới hay không là nhờ vào ngành nuôi trồng thủy sản trong những năm tới.

Đánh biển khó, nuôi trồng thắng lớn

Với 45 năm trong nghề thu mua và chế biến hải sản, ông Trần Văn Dũng, tổng giám đốc Công ty CP chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu (Baseafood), là người chứng kiến rõ mức độ cạn kiệt ngày càng nghiêm trọng của nguồn lợi thủy sản.

Theo ông Dũng, những năm 2000 về trước biển vẫn còn nhiều cá nên ngành chế biến surumi rất thuận tiện và đem lại lợi nhuận cao. Thời ấy, mỗi năm Baseafood xuất khẩu vài ngàn tấn surumi.

Thế nhưng, đến nay do cá thịt trắng (dùng để chế biến surumi) đã cạn kiệt nên doanh nghiệp bỏ luôn mảng này. Và nhiều năm trở lại đây, để có nguyên liệu chế biến, doanh nghiệp phải đi thu mua khắp cả nước và nhập khẩu từ nước ngoài. "Bây giờ phải tranh nhau mua nguyên liệu đầu vào", ông Dũng cho biết.

Trong khi đó, nhờ đầu tư vào hệ thống ao nuôi tôm mà Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) đã tự chủ được 30% nguyên liệu chế biến, xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước.

Tiến sĩ Hồ Quốc Lực - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Sao Ta - nhớ lại năm 2012 đến xã ven biển Vĩnh Tân nuôi tôm. Qua hơn 10 năm qua, trại tôm của công ty đã phát triển từ 60ha đến nay là 322ha và kể từ năm 2023 sẽ tăng lên 525ha với gần 640 ao nuôi...

Dù có nhiều biến động về thời tiết, môi trường và dịch bệnh nhưng trại tôm này chưa một lần thất bại. Chỉ riêng năm 2021, sản lượng thu hoạch của 270ha nuôi đạt trên 8.000 tấn, chủ động 30% nguyên liệu cho công ty.

Để có được thành công này là nhờ công ty chủ động "sáng chế" ra vi sinh có lợi khắc chế vi sinh bất lợi trong quá trình nuôi, tỉ lệ thành công trong nuôi tôm đạt trên 80% góp phần làm giá thành sản phẩm cuối cùng giảm, tăng sức cạnh tranh.

"Năm 2023, công ty sẽ đưa thêm trên 200ha vào nuôi mới, chuẩn bị mở rộng thêm nhà máy chế biến, tạo nền tảng vững chắc cho bước đi hai chân kiềng của mình", ông Lực cho biết.

Thủy sản "bay" trên đôi cánh nuôi trồng

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 9 tháng đầu năm nay xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 8,5 tỉ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm mang về gần 3,4 tỉ USD, tăng 23%, và cá tra mang về gần 2 tỉ USD, tăng 82% so với cùng kỳ năm 2021. Hai mặt hàng nuôi trồng chính này chiếm hơn 63% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Ông Như Văn Cẩn, vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), cho biết nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng thủy sản phục vụ chế biến xuất khẩu chiếm 70%, trong đó chủ yếu là tôm nước lợ và cá tra.

Từ năm 2018, Thủ tướng đã quyết định đưa tôm nước lợ và cá tra là hai đối tượng thủy sản nuôi chủ lực. Do đó, Nhà nước đã ưu tiên đầu tư nghiên cứu, phát triển sản xuất, chọn tạo giống, xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường cho sản phẩm.

Đến năm 2021, sản lượng tôm nước lợ của nước ta đạt 930.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 3,88 tỉ USD, chiếm 43,6% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thủy sản. Sản lượng cá tra nước ta đạt 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,62 tỉ USD chiếm 18,2% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

"Chỉ tính riêng kim ngạch xuất khẩu tôm (3,88 tỉ USD) và cá tra (1,62 tỉ USD) đã đạt 5,5 tỉ USD, chiếm gần 62% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thủy sản" - ông Cẩn nói.

Theo ông Cẩn, phát triển nuôi trồng thủy sản, giảm khai thác là xu thế tất yếu trong bối cảnh nhu cầu thực phẩm gia tăng và nguồn lợi thủy sản tự nhiên hữu hạn. Nước ta có tiềm năng tự nhiên như mặt nước sông ngòi, ao đầm, vùng ven biển... để phát triển nuôi trồng thủy sản.

Do đó, định hướng mục tiêu chính của ngành trong giai đoạn 2021 - 2030 là phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nuôi trồng thủy sản, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đến năm 2030, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 7 triệu tấn/năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 12 tỉ USD/năm, tốc độ tăng trưởng giá trị nuôi trồng thủy sản đạt trung bình trên 4,5%/năm.

Trọng tâm ưu tiên phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 là phát triển các đối tượng nuôi chủ lực bao gồm nuôi tôm nước lợ, cá tra và phát triển nuôi biển.

Bảo Ngọc (Theo Tuổi trẻ)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục