Doanh nghiệp thủy sản nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất xuất khẩu gặp khó với thủ tục hành chính

(vasep.com.vn) Tuần cuối cùng của tháng 9/2018, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã gửi Công văn số 2233/TY-TTr,PC tới các Chi cục Thú y về việc kiểm dịch NK sản phẩm động vật thủy sản làm nguyên liệu gia công XK từ tàu đánh bắt nước ngoài. Sau khi nhận văn bản này, các Chi cục địa phương đã siết chặt hơn yêu cầu có Giấy chứng nhận kiểm dịch/ATTP - Health Certificate từ nước nhập khẩu kèm theo các lô nguyên liệu thủy sản khai thác được đóng/sang container từ trực tiếp các tàu khai thác và đưa về Việt Nam. Điều này đã khiến cho hoạt động NK của một số DN bị ách tắc do không thể thực hiện được thủ tục hành chính này.

Ngày 02/10/2018, VASEP đã gửi Công văn số 142/2018/CV-VASEP tới Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) nêu những vướng mắc về thủ tục nhập khẩu nguyên liệu thủy sản cho sản xuất XK.

Tại CV 142, VASEP cho rằng, về thực tiễn, các DN thủy sản khẳng định việc nhập khẩu nguyên liệu hải sản từ các tàu khai thác (trực tiếp từ tàu hoặc tàu sẽ phân bổ vào các container để vận chuyển tới nơi nhập khẩu đều không qua bất cứ công đoạn chế biến nào ở nhà xưởng trên đất liền) là một thông lệ quốc tế và Việt Nam là một quốc gia cũng tham gia trong chuỗi giao thương bình thường này từ trước đến nay.

Nhưng thực tế, không phải tàu đánh bắt nào cũng có điều kiện đưa tàu trực tiếp vào các Cảng của Việt Nam để dỡ hàng mà đa phần các tàu đều cập tại các cảng của một quốc gia trung gian trong hành trình đánh bắt để đưa nguyên liệu vào các container chuyên dụng rồi bán lại cho các thị trường nhập khẩu, trong đó có Việt Nam. Do các lô hàng này chỉ chuyển tải trung gian qua cảng của các quốc gia này nên Cơ quan có thẩm quyền tại các quốc gia có cảng trung gian không thể cấp Giấy Chứng nhận Kiểm dịch/ATTP – Health Certificate cho các lô hàng này được. Vì thế, toàn bộ các lô hàng này không thể có Giấy Chứng nhận kiểm dịch/ATTP – Health Certificate kèm theo để nộp cho Cơ quan thú y khi NK vào Việt Nam

Về cơ sở pháp lý hiện hành, hiện tại đang có hai Thông tư của Bộ NN&PTNT quy định, hướng dẫn liên quan về việc nhập khẩu thủy sản và đang thực hiện một cách bình thường từ trước tới nay đó là:

Tại khoản 3 Điều 4 Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT (Quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản) quy định về hồ sơ đăng ký, khai báo kiểm dịch đối với các lô hàng nhập khẩu là nguyên liệu gia công, chế biến thực phẩm XK; SP động vật thủy sản nhập khẩu từ tàu đánh bắt hải sản nước ngoài... thì cũng không quy định hồ sơ phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch của nước XK đối với SP động vật thủy sản nhập khẩu trực tiếp từ tàu đánh đánh bắt hải sản của nước ngoài.

Điều 4. Hồ sơ đăng ký, khai báo kiểm dịch

3. Hồ sơ khai báo kiểm dịch nhập khẩu sản phẩm động vật thủy sản làm nguyên liệu gia công, chế biến thực phẩm xuất khẩu; sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu từ tàu đánh bắt hải sản nước ngoài; sản phẩm động vật thủy sản làm hàng mẫu; sản phẩm động vật thủy sản xuất khẩu bị triệu hồi hoặc bị trả về:

a) Đơn khai báo kiểm dịch theo Mẫu 03 TS Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao có xác nhận của doanh nghiệp hoặc bản gốc Giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu, trừ sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu trực tiếp từ tàu đánh bắt hải sản của nước ngoài. Trường hợp gửi bản sao hoặc tại thời Điểm gửi hồ sơ chưa cung cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu thì phải gửi bản gốc Giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu khi kiểm tra hàng hóa;

c) Bản sao Giấy phép theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều này;

d) Bản sao có xác nhận của doanh nghiệp các giấy tờ liên quan đến lô hàng khi xuất khẩu (Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm nếu có, thông báo triệu hồi lô hàng của doanh nghiệp, tờ khai hải quan, bảng kê danh Mục hàng hóa) đối với sản phẩm động vật thủy sản xuất khẩu bị triệu hồi hoặc bị trả về.

Và, tại Khoản 1 Điều 5 của Thông tư 02/2018/TT-BNNPTNT bổ sung điểm đ, điểm e vào khoản 3 Điều 4 Thông tư 26/2016 kể trên cũng không quy định phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch/ATTP – Health Certificate:

Điều 5. Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT

1. Bổ sung điểm đ, điểm e vào khoản 3 Điều 4 như sau:

“đ) Bản sao có xác nhận của chủ hàng Giấy chứng nhận của thuyền trưởng “Captain’s statement” hoặc Giấy xác nhận của người bán. Nội dung giấy xác nhận thể hiện các thông tin sau: tên tàu đánh bắt, số đăng ký của tàu, quốc gia treo cờ, phương pháp đánh bắt, thời gian đánh bắt, khu vực đánh bắt đối với sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu từ tàu đánh bắt hải sản nước ngoài.

e) Bản sao có xác nhận của chủ hàng Vận tải đơn đối với sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu gia công, chế biến thực phẩm xuất khẩu (trừ sản phẩm nhập khẩu từ tàu đánh bắt hải sản nước ngoài).”

Tại Khoản 5 Điều 1 Thông tư 02/2018/TT-BNNPTNT sửa đổi Điều 9 của Thông tư 50/2015/TT-BNNPTNT về xác nhận cam kết SP thủy sản XK có nguồn gốc từ thủy sản khai thác nhập khẩu cũng chỉ hoàn toàn quy định các hồ sơ liên quan đến kiểm soát nguồn gốc và IUU (như là Giấy C/C, mẫu giấy xác nhận cam kết) và không quy định tới Giấy chứng nhận kiểm dịch/ATTP – Health Certificate. Một điều rõ ràng là quy định này trong Thông tư 02/2018 (hay kể cả TT26/2016) cũng chỉ quy định nguồn gốc “…có nguồn gốc từ thủy sản khai thác nhập khẩu”, hoàn toàn không diễn giải về hình thức của nhập khẩu như “…từ tàu đánh bắt hợp pháp” hay “từ nhà máy sơ chế có trong danh mục được XK vào VN” hoặc “…từ cảng trung chuyển”:

5. Điều 9 được sửa đổi như sau:

Điều 9. Xác nhận cam kết sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ thủy sản khai thác nhập khẩu:

1. Chủ hàng có nhu cầu xuất khẩu lô hàng được sản xuất từ thủy sản khai thác nhập khẩu nộp 02 (hai) bộ hồ sơ trực tiếp hoặc theo đường bưu điện đến cơ quan thẩm quyền (quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này) để đề nghị xác nhận.

2. Hồ sơ đề nghị xác nhận gồm:

a) Giấy chứng nhận thủy sản khai thác (bản chính hoặc bản sao);

b) Giấy xác nhận cam kết sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ thủy sản khai thác nhập khẩu (theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này) hoặc mẫu Giấy xác nhận cam kết sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ thủy sản khai thác xuất khẩu khác theo yêu cầu của Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu.

Như vậy, sau khi xem xét cả “thông lệ quốc tế”, “thực tiễn” và “quy định pháp lý hiện hành” có thể thấy rõ, các lô hàng này là nguyên liệu mua trực tiếp từ tàu đánh bắt, không qua bất cứ công đoạn sơ chế/chế biến nào trên đất liền, container chỉ là phương tiện để vận chuyển chuyên dụng, không thể có được Giấy chứng nhận kiểm dịch từ nước nhập khẩu. Dòng hàng này vẫn được các quốc gia khác cho phép NK mà không cần phải có Giấy H/C. Quy định pháp lý hiện hành của Việt Nam cũng không quy định Giấy này trong hồ sơ nhập khẩu.

Vấn đề IUU là liên quan đến chứng nhận về đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo qui định. Còn Giấy chứng nhận ATTP/Health certificate là liên quan về chứng nhận vệ sinh an tòan thực phẩm hoặc dịch bệnh. Giấy H/C không liên quan đến vấn đề IUU.

Hàng nhập khẩu của DN được đánh bắt từ các tàu không vi phạm IUU, DN có thể nhập khẩu để XK đi EU hoặc không đi EU;

Liên quan đến qui định về IUU, hàng NK của DN khi nhập về dù đi EU hay không đi EU thì đều có Giấy chứng nhận của thuyền trưởng hoặc giấy xác nhận của người bán nộp cho cơ quan thú y để kiểm tra theo qui định tại Khoản 1 Điều 5 của Thông tư 02/2018/TT-BNNPTNT đảm bảo không vi phạm về IUU trước khi cơ quan Thú y cho phép NK. Trường hợp khi có sử dụng NL NK để xuất đi EU thì bắt buộc DN phải có catch certificate (do cơ quan thẩm quyền quốc gia treo cờ cấp) như qui định tại Khoản 5 Điều 1 Thông tư 02/2018/TT-BNNPTNT sửa đổi Điều 9 của Thông tư 50/2015/TT-BNNPTNT. Vì vậy các lô hàng nhập khẩu của DN hoàn toàn đáp ứng qui định về IUU.

Trên tinh thần chung tay thực hiện đầy đủ các quy định về IUU đồng thời vẫn đảm bảo điều kiện bình thường cho hoạt động SX, kinh doanh của DN, không gây thêm các khó khăn cho DN, VASEP đề nghị Cục Thú y có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thủ tục hành chính kiểm soát nhập khẩu các lô nguyên liệu thủy sản khai thác được đóng/sang container tại cảng trung gian của một quốc gia khác khi NK vào Việt Nam cũng tương tự thủ tục nhập khẩu từ tàu đánh bắt và không phải nộp kèm Giấy Chứng nhận Kiểm dịch/ATTP – Health Certificate.

Trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị, xã hội và cộng đồng DN chung tay chống lại khai thác IUU cũng như Cơ quan quản lý nhà nước đang gấp rút hoàn thiện các khung pháp lý liên quan, Hiệp hội và các DN đề xuất đối với việc kiểm soát dòng hàng nhập khẩu này: ngoài việc cung cấp đầy đủ các hồ sơ theo quy định hiện hành, các DN sẽ có thêm (1) Giấy Cam kết cho mỗi lô hàng và (2) Chịu sự kiểm dịch đầy đủ của CQ thú y theo quy định.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • T1
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM