5 Hiệp hội góp ý cho Dự thảo lần 2 Thông tư ghi nhãn dinh dưỡng với thực phẩm

(vasep.com.vn) Sau khi nhận được công văn số 439/BYT-PC ngày 1/2/2023 của Bộ Y tế về đề nghị góp ý cho Dự thảo lần 2 Thông tư hướng dẫn ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm (gọi tắt là Dự thảo), 5 Hiệp hội Doanh nghiệp, đại diện cho các ngành hàng chế biến thực phẩm chủ lực của Việt Nam đã có một số ý kiến góp ý cho Dự thảo. 5 Hiệp hội gồm Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch, Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Hiệp hội Chè Việt Nam.

Chú thích ảnh

Trước hết, các Hiệp hội đánh giá cao Ban Soạn thảo đã tiếp thu một số ý kiến góp ý của các Hiệp hội cho Dự thảo lần 1 để điều chỉnh một số nội dung tại Dự thảo lần 2 như: điều chỉnh Giá trị dinh dưỡng tham chiếu (NRV) của Protein xuống 50g (tương đương với quy định của CODEX), tăng lộ trình và thời gian chuyển tiếp việc thực hiện (tại Điều 8) từ 1 năm lên 2 năm.

Tuy nhiên, Dự thảo vẫn còn một số nội dung bất cập lớn, chưa phù hợp với các quy định quốc tế và thực tiễn sản xuất, kinh doanh cũng như ảnh hưởng tới đời sống nhân dân, nên cần được xem xét và sửa đổi như Chỉ tiêu phải ghi nhãn quy định (theo Phương án 1 tại Điều 5 và Điều 6) chưa phù hợp, Giá trị dinh dưỡng tham chiếu chưa phù hợp, Hướng dẫn ghi nhãn dinh dưỡng chưa phù hợp.

Cụ thể, các Hiệp hội có góp ý chi tiết:

Về Khoản 2 Điều 1 của Dự thảo, các Hiệp hội đề nghị bổ sung vào mục các đối tượng loại trừ tại Khoản 2 Điều 1 các thực phẩm sản xuất thủ công và thực phẩm có diện tích bao gói <25cm2: Các thực phẩm sản xuất thủ công có quy mô nhỏ theo hộ gia đình, quá trình sản xuất sử dụng sức lao động của con người là chủ yếu; Thực phẩm có diện tích bề mặt lớn nhất <25cm2 nếu có nhãn phụ hoặc bao bì ngoài đã thể hiện đầy đủ các nội dung ghi nhãn dinh dưỡng.

Không khả thi để áp dụng quy định ghi nhãn dinh dưỡng cho thực phẩm sản xuất thủ công, nếu bắt buộc áp dụng sẽ dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng lớn đến đời sống nông dân, ảnh hưởng đến chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Chính phủ.

Với chỉ các thông tin ghi nhãn thông thường, Nghị định 15/2018/NĐ-CP đã miễn ghi nhãn cho các diện tích dưới 10 cm2, nay nếu phải in thêm các thông tin ghi nhãn dinh dưỡng mà vẫn giữ nguyên mức 10 cm2 thì rõ ràng là các nhãn nhỏ sẽ không có đủ chỗ để ghi, nhất là khi theo Dự thảo, việc ghi nhãn phải theo mẫu yêu cầu và cỡ chữ phải >0,9mm.

Về Điều 5 và Điều 6 của Dự thảo, một trong những đề nghị của các Hiệp hội tại mục này là bỏ quy định sau lộ trình 5 năm lại quay lại yêu cầu ghi nhãn 7 thành phần dinh dưỡng, áp dụng chung cho tất cả các loại thực phẩm của Phương án 1. Vì việc chỉ áp dụng phương pháp quản lý tiên tiến trong 5 năm, sau đó lại quay trở lại yêu cầu tất cả thực phẩm ghi nhãn 7 chất giống nhau là không phù hợp với quản lý rủi ro, và làm mất ổn định môi trường sản xuất-kinh doanh.

Về Phụ lục I của Dự thảo, các Hiệp hội đề nghị điều chỉnh các giá trị NRV của Carbohydrat và chất béo để đạt mức 2000 kcal.

Các Hiệp hội đánh giá cao việc Ban Soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của các Hiệp hội để điều chỉnh giá trị NRV của protein tại Dự thảo xuống 50g (tương tự giá trị NRV của protein do Codex đưa ra). Tuy nhiên, các giá trị NRV của Carbohydrat và chất béo chưa được điều chỉnh, dẫn đến tổng năng lượng chỉ là 1924 kcal, không đạt mức 2000 kcal theo khuyến cáo.

Về phụ lục II của Dự thảo, một trong những đề nghị của các Hiệp hội tại mục này đó là: Việc ghi giá trị dinh dưỡng tham khảo các mẫu sau. Có thể điều chỉnh hình dáng, kích thước của bảng hoặc không dùng bảng; điều chỉnh thứ tự các thành phần dinh dưỡng, cỡ chữ, kiểu chữ và màu sắc của chữ tùy theo thiết kế nhãn sản phẩm, miễn là đảm bảo đủ các nội dung bắt buộc theo quy định tại điều 5 và điều 6 Thông tư này, và đảm bảo tuân thủ các quy định ghi nhãn hiện hành, ngoài ra có thể thêm các thông tin về các thành phần dinh dưỡng khác nếu có (ví dụ: vitamin, khoáng chất...)

Các Hiệp hội rất mong được Bộ Y tế xem xét tiếp thu các ý kiến đóng góp của các Hiệp hội cho Dự thảo để Thông tư có tính khả thi cao, hội nhập với quốc tế và tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất-kinh doanh của các Doanh nghiệp chế biến thực phẩm.

Chia sẻ:


Kim Thu
Chuyên gia thị trường Tôm
Email: kimthu@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 – ext.203

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM