Tôm thẻ... bơi trong nước ngọt!

Tôm thẻ chân trắng (TTCT) lâu nay được nuôi ở vùng nước lợ, nhưng một số nông dân ở tỉnh Đồng Tháp (vùng nước ngọt) đã đưa vật nuôi này về nuôi.

Để nuôi TTCT, người dân tự ý khoan, lấy nước ngầm, rải thêm muối vào ao nuôi để tăng độ mặn. Thực trạng này khiến chính quyền và ngành NNPTNT tỉnh này quan ngại, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu tới các loài thủy sản nước ngọt khác và kể cả cây trồng. Tuy nhiên, việc kiểm soát, ngăn chặn nuôi TTCT trong vùng nước ngọt không dễ do yếu tố lợi nhuận mang lại (lãi từ 20 - 140 triệu đồng/ha/vụ tùy mật độ thả nuôi). Theo Sở NNPTNT Đồng Tháp, đến ngày 28.2.2018, toàn tỉnh có 148,8ha/45 hộ thả nuôi TTCT.

Để kiểm soát tình hình, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai hàng loạt biện pháp: Xử lý vi phạm trong việc khai thác nước ngầm để nuôi TTCT; yêu cầu người nuôi phải thực hiện nghiêm việc bảo vệ môi trường (nước từ ao nuôi trước khi xả ra môi trường phải qua xử lý)… Đáng chú ý là, bên cạnh các biện pháp “rắn” - song chưa chắc mang lại hiệu quả cao - tỉnh Đồng Tháp cũng đã chủ động triển khai thí điểm nuôi TTCT thuần ngọt với 2 mô hình của Cty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung và Cty Cổ phần Aquabox.

Mô hình “Nuôi TTCT kết hợp với ương cá tra giống” tại huyện Cao Lãnh của Cty Cổ phần Aquabox chưa tổ chức thực hiện được, do vốn đối ứng của các hộ tham gia mô hình quá lớn (450.000.000 đồng/tổng kinh phí). Còn mô hình “Nuôi tôm thẻ thuần ngọt theo quy trình tuần hoàn khép kín tại 3 xã” của Cty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung, tuy chọn được 4 điểm tham gia (2 điểm đã thả giống), nhưng Sở NNPTNT Đồng Tháp cũng đã phải đề nghị UBND tỉnh cho phép ngừng thực hiện mô hình do nhiều nguyên nhân; trong đó đáng chú ý là Cty này đã không đưa ra được một quy trình nuôi TTCT thuần ngọt như cam kết và còn sử dụng muối hạt khoáng trong quá trình nuôi (kết quả giám sát của cơ quan chuyên môn đã phát hiện độ mặn trong ao nuôi vượt rất cao so với nước kênh cấp).

Vì vậy, có thể thấy làm thế nào để TTCT có thể… bơi trong vùng nước ngọt vẫn đang là bài toán không dễ đối với tỉnh Đồng Tháp, song vẫn cần tiếp tục có giải pháp tháo gỡ để không biến nước ngọt thành nước lợ (khoan cây nước, rải muối vào ao nuôi) để nuôi TTCT như một số nông dân đã thực hiện!

(Theo BLĐ)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục