Tìm đầu ra cho tôm càng xanh VietGAP

Từ năm 2015, huyện Tân Phú (Ðồng Nai) quyết định thành lập Tổ hợp tác nuôi tôm càng xanh ở xã Trà Cổ, với 32 thành viên, canh tác trên 50 ha diện tích.

Ðể tạo đột phá, Tổ hợp tác kêu gọi hơn 20 hộ nuôi tôm theo quy trình VietGAP trên diện tích 36 ha. Khi nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP, các hộ dân phải đầu tư nhiều công sức, tiền bạc để cải tạo, bảo đảm cho ao nuôi sạch, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc kháng sinh. Trong quá trình nuôi, phải ghi chép nhật ký từ khi thả tôm giống đến khi xuất bán. Giữa năm 2016, mô hình nuôi tôm càng xanh VietGAP ở xã Trà Cổ đã thành công, được ngành chức năng công nhận đạt chuẩn. Tuy nhiên, khi xuất bán ra thị trường, giá tôm VietGAP chỉ dao động từ 160 đến 180 nghìn đồng/kg, không cao hơn tôm nuôi thông thường. Ðến năm 2017, có doanh nghiệp đến tìm hiểu, đặt vấn đề bao tiêu tôm VietGap cho nông dân với giá cao, nhưng lại đòi hỏi nguồn cung ổn định. Trong khi ở Trà Cổ, hằng năm nông dân chỉ nuôi được tôm từ tháng 6 đến tháng 11, còn lại bỏ trống ao, cho nên việc liên kết với doanh nghiệp không thể thực hiện được. Cho đến nay, những hộ nuôi tôm càng xanh VietGAP vẫn loay hoay với bài toán tiêu thụ.

Việc nuôi tôm càng xanh theo chuẩn VietGAP trên địa bàn huyện Tân Phú, nhất là ở xã Trà Cổ, nơi có nguồn nước nuôi tôm từ các dòng suối tự nhiên, cộng với thức ăn chủ yếu cho tôm là ngô hạt trộn với cá nhỏ, là những yếu tố giúp tôm càng xanh Trà Cổ phát triển nhanh, ít mắc bệnh, thịt chắc. Khi nuôi theo quy trình VietGap, chất lượng tôm càng xanh Trà Cổ càng được nâng lên. Vì vậy các hộ dân mong muốn chính quyền địa phương và các ngành chức năng sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn về giá, đầu ra cho sản phẩm để người nuôi yên tâm sản xuất tôm chất lượng cao, an toàn, sạch bệnh.

(Theo báo Nhân Dân)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục