Thới Bình (Cà Mau): Diện tích nuôi tôm càng xanh tăng đột biến

Vụ mùa tôm càng xanh năm 2017, huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) có diện tích thả nuôi trên 12.000 ha, tăng hơn 4.000 ha so với cùng kỳ 2016. Hiện tôm càng xanh được bà con thả nuôi gần 3 tháng tuổi, tôm đang giai đoạn phát triển tốt. Thế nhưng với diện tích nuôi tăng đột biến như năm nay đang trở thành mối lo ngại về tình trạng được mùa mất giá tái diễn.

Năm nay, huyện Thới Bình còn được hỗ trợ từ Dự án mô hình tôm càng xanh toàn đực trên ruộng lúa, với quy mô 270 ha. Mô hình được thực hiện trên địa bàn các xã, thị trấn, nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với huyện Thới Bình tổ chức thực hiện thí điểm mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa với hình thức cho ăn dặm. Với quy mô 12ha cho 12 hộ dân ở ấp 3 và ấp 9 xã Thới Bình, mỗi hộ tham gia được Trường Đại học Cần Thơ hỗ trợ 100% con giống, 50% chi phí cải tạo ao đầm và thức ăn/1ha đất sản xuất.

Các hộ trong mô hình phải cam kết thực hiện đúng theo yêu cầu kỹ thuật về mật độ thả tôm: 3 con/m². Từ thực tế diện tích tôm càng xanh phát triển ồ ạt như hiện nay làm nhiều người lo ngại về điệp khúc được mùa - mất giá. Vì thế, bà con trước khi thả nuôi cần theo dõi khuyến cáo của ngành chức năng để tránh thiệt hại về kinh tế.

Mô hình xen canh tôm càng xanh trên ruộng lúa được xem là mô hình hiệu quả ổn định và bền vững hiện nay nên bà con nông dân tận dụng mùa nước lợ nuôi tăng thêm thu nhập. Dù đầu ra không ổn định nhưng khoảng 3 năm nay thì giá tôm càng xanh thấp nhất cũng vào khoảng 100.000 đồng/kg.

Mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa có nhiều ưu thế phát triển, thích ứng với điều kiện tự nhiên, nhất là rủi ro dịch bệnh thấp, hạn chế sử dụng hóa chất độc hại, tạo ra sản phẩm sạch, tăng thu nhập cho bà con.

(Theo báo ảnh Đất Mũi)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục