Tăng cường quản lý nuôi tôm siêu thâm canh

Loại hình nuôi tôm siêu thâm canh phát triển đã tạo ra hướng đi tích cực trong việc phát huy tiềm năng, lợi thế nuôi trồng thuỷ sản, hướng sản xuất đến chuyên môn hoá và nâng cao năng suất sản xuất. Song, sự phát triển ồ ạt đã đặt ra thách thức lớn trong công tác quản lý về môi trường và an toàn sử dụng điện trong sản xuất.

Huyện Phú Tân (tỉnh Cà Mau) hiện có hơn 425 ha ao đầm nuôi tôm siêu thâm canh. Diện tích này tăng nhanh, nhất là khi giá tôm ổn định trở lại trong thời gian gần đây. Năng suất thu hoạch khá, tỷ lệ thành công tương đối cao, lợi nhuận khủng… là yếu tố hấp dẫn nhiều người. Song, vấn đề làm nhiều người lo ngại và bức xúc nhất đó là ô nhiễm môi trường do xả thải.

Nỗi lo ô nhiễm và tai nạn điện

Có lẽ chưa lúc nào, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri hay từ những kênh thông tin khác, vấn đề ô nhiễm môi trường do hộ nuôi tôm thảy thẳng ra sông, rạch lại gây bức xúc và ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh như hiện nay. Đối với người dân, những gì tận mắt chứng kiến như: Nguồn nước đen ngòm, hôi thối bốc mùi ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất thì bà con phản ánh. Song, để đảm bảo tính khách quan, cần phải có những số liệu chính xác, đó là lấy mẫu nước gửi đi phân tích để có kết quả làm cơ sở đánh giá. Việc làm này tốn kém và lòng vòng trong khi tình trạng lén lút xả thải ra môi trường vẫn âm thầm diễn ra và cuộc sống của người dân ít nhiều bị ảnh hưởng, nhất là nguồn nước để phục vụ sản xuất. Một vài hộ nuôi không tuân thủ quy định, xả thải trực tiếp ra môi trường sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm hộ trong khu vực.

Bên cạnh đó, vấn đề an toàn về điện rất đáng quan tâm. Qua kiểm tra của ngành điện cho thấy, vẫn còn tình trạng đi một dây ra đầm rồi lấy mát trực tiếp; Cột điện bằng gỗ không đảm bảo, thiếu u sứ cách điện, độ võng của dây quá thấp... Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nhiều vụ tai nạn điện thương tâm: Năm 2017, trên địa bàn huyện đã xảy ra 9 vụ tai nạn điện, chết 9 người; Từ đầu năm 2018 đến nay, xảy ra 6 vụ làm chết 6 người.

Nhằm quản lý tốt tình hình nuôi tôm siêu thâm canh, nhất là việc sử dụng điện cũng như khâu xử lý chất thải, nước thải trong quá trình nuôi, giữa tháng 6/2018, huyện Phú Tân chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra 119 hộ nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn huyện. Qua kiểm tra cho thấy, có 53 hộ thực hiện đúng theo hướng dẫn của ngành chuyên môn về diện tích ao xử lý chất thải, ao lắng, hệ thống xử lý đúng quy định, an toàn về điện, chỉ chiếm 45%... Có 66 hộ không đảm bảo các điều kiện quy định, chiếm hơn 55%. Ngành chức năng nhắc nhở và buộc các hộ nuôi phải khắc phục, đảm bảo quy định trong vòng 30 ngày. Sau đó, ngành chức năng huyện tiến hành tái kiểm tra đối với 66 hộ này, nhưng chỉ có 20 hộ thực hiện đạt theo yêu cầu. Từ đó đến nay, sau nhiều lần hậu kiểm, tỷ lệ hộ thực hiện cũng chưa cao.

Kiên quyết xử lý vi phạm

Vừa qua, Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Võ Trường Giang cùng các ngành chức năng đi kiểm tra gần chục hộ nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn huyện cho thấy chỉ có vài hộ tương đối đảm bảo các quy định an toàn về điện cũng như vấn đề xả thải.

Hộ ông Trần Tấn Nhã, ấp Đất Sét, xã Phú Thuận thực hiện tương đối đảm bảo quy định của ngành chức năng về môi trường, an toàn về điện, song vẫn còn tình trạng câu mắc điện trực tiếp trên cây dừa.

Hộ ông Lê Văn Tuấn, ấp So Đũa, xã Việt Thắng đã xây dựng được hệ thống biogas để xử lý chất thải, nước thải và phục vụ đời sống, song hệ thống này đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động mà phần lớn mang tính hình thức.

Riêng vấn đề an toàn điện, đối với hộ nuôi siêu thâm canh, phần lớn đều đủ điều kiện để hạ thế riêng, nhưng lại chưa thực hiện đúng quy định an toàn. Qua thực tế kiểm tra của chính quyền cơ sở và ngành chức năng, từ trước đến nay, do chủ yếu là nhắc nhở, hướng dẫn, quy định thời gian thực hiện nên đa số bà con đều hẹn lần hẹn lựa, hứa nhưng viện lý do như thiếu tiền, tôm đang nuôi không cải tạo nâng cấp đường dây...

Hộ ông Mai Văn Tuấn, ấp Kiến Vàng B, xã Việt Thắng, huyện Phú Tân thì hệ thống đường dây chưa đảm bảo. Cột điện bằng cây không đảm bảo, dây cột chùm không u sứ, độ võng không quá đầu người, thậm chi còn đi một dây rồi lấy mát trực tiếp... Ông Tuấn cho rằng đang nuôi tôm nên không thể cải tạo, sửa chữa hệ thống điện được, trong khi ở đây vẫn còn nhiều đầm trống và trước đó chính quyền xã Việt Thắng đã kết hợp ngành chức năng kiểm tra, hướng dẫn thực hiện đúng quy định.

Vấn đề này, nhất thiết phải tăng cường vai trò kiểm tra của chính quyền cơ sở vừa hướng dẫn cũng vừa phải có xử lý nghiêm để mang tính răn đe.

Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Võ Trường Giang đề nghị chủ tịch UBND cấp xã chỉ đạo cho hộ dân cam kết thời hạn để khắc phục. Nếu không đảm bảo sẽ tiến hành cắt áp giá điện, nếu hộ nuôi tiếp tục không chấp hành sẽ cắt điện theo quy định. Từ trước đến nay, huyện Phú Tân chủ yếu nhắc nhở, cho làm cam kết chứ ít xử lý hành chính, do đó lần này huyện kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng vi phạm. Đây là giải pháp đảm bảo an toàn điện, an toàn tính mạng của chính người trực tiếp nuôi, góp phần đảm bảo môi trường, đảm bảo đời sống và sản xuất cho nhiều hộ trong khu vực.

(Theo báo Cà Mau)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục