Nuôi tôm thẻ công nghệ cao: Hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất

Trước tình hình vùng nuôi tôm công nghiệp ngày càng ô nhiễm, dịch bệnh dễ tấn công môi trường nuôi, thì việc đầu tư mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao là một hướng đi bền vững.

Anh Phạm Thế Vịnh (ấp Bà Tô, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) mạnh dạn cải tạo 2.000m2 mặt nước nuôi tôm cũ để đầu tư mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Mô hình gồm có 2 ao nuôi tôm thẻ, được lót vải bạt quanh bờ và đáy ao. Phía trên ao nuôi được che bằng lưới. Ao nuôi có hệ thống cung cấp ôxy và có thể thay nước hàng ngày. Cùng với 2 ao nuôi, còn có thêm một ao ương (nuôi tôm giai đoạn một), để tạo môi trường tốt nhất cho tôm giống. Quy trình nuôi rất nghiêm ngặt. Nước trước khi đưa vào ao ương được xử lý diệt khuẩn bằng các hóa chất nằm trong danh mục Bộ NN-PTNT cho phép. Sau đó, được bơm qua ao chứa để lắng các chất không có lợi cho tôm. Sau 7 - 10 ngày mới chuyển nước qua ao ương. Tại ao ương nước được gây màu tảo bằng các chế phẩm sinh học. Khi nước có màu xanh của tảo lục và các yếu tố môi trường như pH, NH3, H2S đạt tiêu chuẩn thì tiến hành thả tôm giống. Con giống cũng được tuyển chọn rất kỹ lưỡng để hạn chế bệnh lây. Sau thời gian 30 ngày, toàn bộ tôm nuôi tại ao ương được chuyển qua ao nuôi bằng hệ thống ống dẫn tự chảy.

Anh Vịnh cho biết, chi phí đầu tư cho mô hình lên đến 2 tỷ đồng/ha. Tuy nhiên, mật độ nuôi tôm thẻ ứng dụng công nghệ cao có thể đạt từ 250 - 300 con/m2, mỗi năm có thể thả nuôi từ 3 - 4 vụ, năng suất có thể đạt 40 tấn/ha. Nhờ tôm tăng trưởng tốt, ít bị dịch bệnh nên lợi nhuận có thể tăng gấp 2 - 3 lần so với cách nuôi thông thường.

Theo các hộ nuôi tôm, tôm thẻ chân trắng nếu được nuôi trong môi trường thuận lợi có thể lớn nhanh, ít phân đàn và thời gian nuôi ngắn. Do đó, việc nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao rất phù hợp cho loại tôm này vì môi trường nuôi ít bị tác động của khí hậu, thời tiết, các chỉ số luôn được duy trì ổn định. Mô hình nuôi này cũng hạn chế tối thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn sinh học.

“Trong tương lai tôi sẽ đầu tư các thiết bị kiểm soát môi trường bằng hệ thống tự động, dữ liệu môi trường được tích hợp vào phần mềm máy tính, khi có hiện tượng biến động hệ thống sẽ đưa ra cảnh báo kịp thời hoặc xử lý tự động khi các chỉ tiêu ôxy hoặc pH biến động thất thường. Ngoài ra, tôi cũng đang tìm hiểu để lắp đặt máy cho ăn tự động, dựa theo tần số sinh học của tôm”, anh Vịnh chia sẻ thêm về kế hoạch hiện đại hóa ao nuôi trong tương lai.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, mô hình nuôi tôm thẻ ứng dụng công nghệ cao cho hiệu quả kinh tế rõ rệt nên được nhiều người nuôi tôm quan tâm. Thời gian qua, UBND tỉnh cũng đã ưu tiên đầu tư về cơ sở hạ tầng cho các vùng chuyên canh nuôi tôm thâm canh để khuyến khích người dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. UBND tỉnh cũng đã có kế hoạch xây dựng kênh cấp nước mặn dài khoảng 6km, dẫn nước biển vào phục vụ cho nghề nuôi tôm công nghiệp ở vùng nuôi tôm trọng điểm Xuyên Mộc.

Theo Sở NN-PTNT, hiện nay trên địa bàn tỉnh diện tích nuôi tôm sú đạt 3.307ha, nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp 400ha. Để việc nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả, những năm qua, tỉnh đã thành lập các khu quy hoạch sản xuất nuôi trồng thủy sản tập trung như: Khu nuôi tôm công nghiệp Bàu Sình A, Bàu Sình B (huyện Xuyên Mộc); khu nuôi trồng thủy sản nước mặn theo hướng nuôi công nghiệp tại phường Kim Dinh (TP. Bà Rịa); khu nuôi trồng thủy sản nước mặn tại xã An Ngãi (huyện Long Điền). Với tiềm lực hiện có, ngành nông nghiệp tỉnh phấn đấu trong thời gian tới, có 80% sản phẩm nuôi trồng thủy sản được quản lý theo mô hình VietGAP; giảm dần diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh; thực hiện nuôi quảng canh cải tiến, nuôi sinh thái; hướng đến ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nuôi trồng thủy sản để tăng năng suất, bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm sử dụng các hóa chất kháng sinh cấm vào quá trình nuôi.

(Theo Báo BR-VT)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục