Nuôi tôm quảng canh cải tiến hiệu quả bền vững

Nuôi tôm công nghiệp siêu thâm canh cho lợi nhuận cao. Song, loại hình này đòi hỏi vốn nhiều nên phần lớn bà con nông dân trong huyện Phú Tân (tỉnh Cà Mau) không có điều kiện thực hiện. Chính vì vậy, nuôi tôm quảng canh cải tiến là giải pháp được nhiều bà con lựa chọn.

Ưu thế của loại hình nuôi này là vốn đầu tư ít, phù hợp với đặc điểm đất đai, kỹ thuật, kinh nghiệm, điều kiện sản xuất của nhiều bà con và cho năng suất khá. Đặc biệt, mô hình này đảm bảo được tính bền vững, bảo vệ môi trường. Đây là yếu tố được đặt lên hàng đầu trong điều kiện sản xuất hiện nay.

Anh Trần Minh Nguyễn, ấp Đất Sét, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, có diện tích đất sản xuất hơn 7 công. Thời gian qua, nuôi tôm quảng canh truyền thống nhiều năm kém hiệu quả, anh chọn giải pháp phù hợp cho mình là nuôi tôm quảng canh cải tiến theo hướng bền vững.

Anh Trần Minh Nguyễn cho biết: "Loại hình nuôi này dễ thực hiện và gần gũi với nhiều nông dân. Chỉ khác so với nuôi truyền thống là thả thưa hơn, ít thay nước. Điều lưu ý là phải biết sử dụng vi sinh, khoáng chất theo định kỳ và chú ý không được lạm dụng, phải dùng đúng liều lượng".

Theo đó, cần phải tạo môi trường thức ăn tự nhiên từ các loài rong, tảo cho tôm nuôi bằng việc sử dụng các loại khoáng chất, vi sinh. Người nuôi cũng có thể sử dụng các loại cây cỏ trên bờ vuông, phát phơi khô, sau đó thả xuống vuông làm thức ăn cho tôm và cải thiện môi trường nước.

Mỗi vụ thường kéo dài 1 năm. Bắt đầu từ khoảng tháng 5 âm lịch, khi mưa nhiều. Người nuôi tiến hành cải tạo đất triệt để, diệt tạp, xử lý nước và thả giống với mật độ thưa. Sau đó, thả bổ sung hằng tháng và tiến hành thu hoạch khi tôm đủ tuổi.

Về hiệu quả loại hình nuôi này, theo anh Trần Minh Nguyễn, cái lợi là thả thưa nhưng hiệu quả lại cao hơn quảng canh truyền thống. Tiếp nữa là không cần cho ăn bổ sung tốn chi phí mà sử dụng vi sinh, khoáng chất, hoặc cây cỏ để tạo thức ăn, xử lý môi trường cho tôm nuôi.

Nhiều bà con ở ấp Đất Sét cũng áp dụng loại hình nuôi này như anh Nguyễn và có mức thu nhập mỗi năm từ 100-150 triệu đồng/ha. Điều quan trọng là yếu tố bền vững của nó mà các loại hình khác chưa đáp ứng được. Đó là đảm bảo môi trường, tạo yếu tố tự nhiên cho tôm nuôi phát triển và đảm bảo mức thu nhập cho người dân.

Theo Kỹ sư Nguyễn Văn Lương, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Phú Tân, loại hình nuôi này gần gũi với phương thức canh tác truyền thống của nông dân. Vì ít tác động của công nghệ, hoá chất và thả tôm gối vụ hằng tháng... Song, có sự thay đổi so với nuôi truyền thống đó là phải thả tôm mật độ thưa, sử dụng khoáng, vi sinh theo định kỳ. Một điều cũng dễ thực hiện nữa là chi phí đầu tư không cao, chỉ vài trăm ngàn đồng/ha. Chủ yếu sử dụng yếu tố tự nhiên để tạo môi trường nước, tạo thức ăn cho tôm. Từ đó gần gũi với thiên nhiên, góp phần cải thiện môi trường và sản xuất theo hướng xanh - sạch.

Trên địa bàn huyện Phú Tân hiện có gần 18.000 ha ao đầm nuôi tôm quảng canh cải tiến, tăng hơn 1.500 ha so cùng kỳ. Hiện tại, nhiều bà con đang chuyển sang thực hiện loại hình mang tính bền vững này thay cho quảng canh cải tiến có bổ sung thức ăn hay quảng canh truyền thống như trước đây. Thậm chí có hộ sau nhiều vụ nuôi tôm công nghiệp thất bại cũng có xu hướng chuyển sang loại hình này để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả.

(Theo báo Cà Mau)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục