Kim Sơn (Ninh Bình): Sẵn sàng cho vụ nuôi tôm mới

Vào thời điểm này, người dân vùng nuôi trồng thủy sản ở các xã ven biển huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đang gấp rút hoàn thành việc cải tạo ao nuôi và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng cho ngày xuống giống vụ tôm xuân hè 2019. Ngành nông nghiệp cùng chính quyền địa phương cũng đang tập trung thực hiện công tác tập huấn kỹ thuật, quan trắc, cảnh báo môi trường, khuyến cáo lịch thời vụ… Bên cạnh đó, việc quản lý chất lượng giống, thuốc thú y thủy sản cũng được siết chặt nhằm không để con giống kém chất lượng và thuốc, hóa chất giả lưu hành trên địa bàn gây rủi ro, thiệt hại cho người nuôi.

Chạy dọc tuyến đê Bình Minh II, các khu vực thuộc các xã Kim Hải, Kim Trung, Kim Đông (huyện Kim Sơn) vào thời điểm này, chúng tôi dễ dàng bắt gặp không khí lao động tấp nập trên những ao, đầm nuôi tôm. Sự háo hức hiện rõ trên khuôn mặt của người dân đang chuẩn bị bước vào vụ nuôi tôm mới.

Vừa tỉ mỉ kiểm tra lại mối gắn trên hệ thống bạt lót của ao tôm, chị Tô Thị Tho, một hộ nuôi ở xóm 5, xã Kim Trung vừa cho chúng tôi biết: Vụ tôm 2018 vừa qua, thời tiết thuận lợi cộng với việc tuân thủ đúng kỹ thuật nên hầu hết các hộ nuôi tôm trong vùng đều có lãi. Như gia đình chị, với diện tích hơn 3 mẫu làm ngao giống và nuôi tôm, gia đình thu lãi hơn 800 triệu đồng. Làm ăn có lãi, nên vụ nuôi tôm năm 2019, anh chị tiếp tục đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ nghề nuôi.

Còn anh Hoàng Văn Nam, một hộ nuôi khác chia sẻ: Dịch bệnh đối với nghề thủy sản, nhất là con tôm rất khó chữa trị. Do vậy, để đảm bảo vụ nuôi thắng lợi, khâu cải tạo ao đầm phải đặt lên hàng đầu. “Ngay từ cuối năm 2018, tôi đã tháo cạn nước, sên vét lớp bùn thải, phơi khô đáy, sau đó dùng vôi bột rải khắp ao để tiêu diệt mầm bệnh. Hiện tôi đang bơm nước vào để xử lý. Nếu thời tiết tốt thì dự kiến gia đình sẽ thả giống vào khoảng đầu tháng 4”, anh Nam cho hay.

Theo kế hoạch, diện tích nuôi tôm vụ 1 của huyện Kim Sơn là 2.115 ha, trong đó nuôi tôm sú quảng canh cải tiến là 1.985 ha, nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp và bán công nghiệp là 130 ha. Để phấn đấu đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao, ngay từ đầu vụ, chính quyền các xã có diện tích nuôi tôm cùng các cơ quan chuyên môn đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho bà con.

Đồng thời, tuyên truyền thông báo rộng rãi đến toàn thể nhân dân về kế hoạch sản xuất thủy sản năm 2019; ý nghĩa của việc cải tạo ao đầm, vệ sinh kênh mương trong nuôi trồng thủy sản. Yêu cầu 100% hộ nuôi thủy sản phải thực hiện cải tạo ao đầm đúng kỹ thuật trước khi tiến hành nuôi thả đúng thời vụ, đúng đối tượng.

Ông Phạm Văn Hải, Trạm trưởng Trạm Thủy sản Yên Khánh – Kim Sơn (Chi cục Thủy sản) thông tin, điều đáng mừng là vài năm trở lại đây, người nuôi tôm đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác cải tạo ao nuôi nên đã đầu tư thời gian, kinh phí để cải tạo ao đầm nhiều hơn.

Đặc biệt, nhiều hộ đã tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: nuôi tôm nhà bạt, ao nổi, ứng dụng công nghệ Biofloc hay nuôi tôm hai giai đoạn, nhờ vậy năng suất, sản lượng tôm tăng đáng kể.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hộ nuôi chưa chấp hành nghiêm các quy định về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Một bộ phận xử lý ao nuôi không bảo đảm yêu cầu, không tuân thủ lịch thời vụ, sử dụng con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch để thả nuôi…, do đó còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Được biết, để khắc phục những vấn đề nêu trên, thực hiện sự chỉ đạo của Chi cục, Trạm đã cử các cán bộ kỹ thuật tăng cường bám sát cơ sở, giám sát tại các vùng nuôi trọng điểm, kiên quyết không cho các hộ dân thả giống khi các điều kiện nuôi không đảm bảo và khi chưa đến thời vụ cho phép.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường và thông báo rộng rãi đến người nuôi để bà con chủ động trong việc chọn thời điểm lấy nước, thả giống phù hợp.

Song song với đó, phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm dịch các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, kiểm soát chặt chẽ nguồn tôm giống từ nơi khác nhập vào địa phương.

Tăng cường công tác quản lý vật tư thủy sản, hạn chế tình trạng thuốc, hóa chất giả, kém chất lượng; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh tuân thủ quy định của pháp luật trong đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa thủy sản… kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm.

(Theo báo Ninh Bình)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục