Hồi hộp chờ giá tôm

Khi giá tôm bắt đầu tăng nhẹ vào đầu tháng 6, cùng với đó là những dự báo về việc giá tôm sẽ còn tiếp tục tăng khiến người nuôi tôm “sống lại hy vọng” để mạnh dạn thả nuôi. Tuy nhiên, những diễn biến thị trường tôm từ giữa tháng 6 đến nay như muốn dập tắt mọi hy vọng của người nuôi tôm khi mùa vụ đang dần trôi về giai đoạn cuối mà giá tôm vẫn cứ quanh quẩn mức giá thành.

Giá tôm thẻ vẫn thấp

Có dịp tiếp xúc với những hộ nuôi tôm ở huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng thông tin đầu tiên về tình hình vụ tôm năm 2018 là chẳng những giá tôm không tăng như dự báo của doanh nghiệp, nhà quản lý hồi đầu tháng 6 mà một số tôm thẻ cỡ lớn còn rất khó tiêu thụ. Ông Trần Quang Cần, Giám đốc HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản Hưng Phú, huyện Cù Lao Dung, than: “Thị trường tôm năm nay khó quá. Giá tôm thẻ hầu như giảm đều hết ở tất cả kích cỡ, trong khi giá vật tư đầu vào lại tăng. Chẳng những vậy, thị trường chỉ tiêu thụ mạnh tôm cỡ 70 đến trên 100 con/kg, còn tôm cỡ lớn giá vừa thấp lại vừa khó tiêu thụ”.

Khi giá tôm không tăng như dự báo, người nuôi tôm bắt đầu nghi ngờ và cho rằng, việc đưa ra dự báo giá tôm sẽ tăng từ tháng 6 chỉ là “chiêu” của doanh nghiệp và cơ quan chuyên môn để đảm bảo chỉ tiêu sản lượng tôm theo kế hoạch. Tuy nhiên, qua trao đổi với một số doanh nghiệp cho thấy, tác động lớn nhất lên giá tôm đến giờ này chủ yếu vẫn là ở yếu tố thị trường thế giới và một phần ở sản lượng tôm trong nước. Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản sạch Việt Nam (Sóc Trăng), chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, sản lượng tôm trong nước nói chung và ĐBSCL nói riêng rất dồi dào, nhưng các doanh nghiệp rất khó tìm được hợp đồng xuất khẩu với giá tốt. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng rất khó tăng công suất chế biến, dự trữ để chờ giá do lao động ít chịu làm ca đêm, điều kiện kho dự trữ và nguồn vốn có hạn. Vì vậy, giá tôm thời gian qua vẫn chưa được cải thiện nhiều như mong đợi của doanh nghiệp và người nuôi tôm”.

Cũng còn một nguyên nhân khác tác động đến giá tôm trong nước là vùng nuôi của Trung Quốc cũng đang vào vụ thu hoạch rộ, bắt đầu từ tháng 7 cho đến khoảng trung tuần tháng 8 mới kết thúc. Được biết, giá tôm tại Trung Quốc đang chạm mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, cụ thể: giá tôm tại thị trường Quảng Đông vào đầu tháng 7 đối với tôm thẻ cỡ 120 con/kg ở mức 28,5 Nhân dân tệ (CNY), tức chỉ khoảng 4,3 USD/kg, cỡ 80 con giá 38,8 CNY/kg (5,85 USD), 60 con giá 44 CNY/kg (6,4 USD)…

Khó tiêu thụ tôm thẻ cỡ lớn

Giá tôm thẻ nuôi ao lót bạt đáy không nhiễm kháng sinh và màu sắc đẹp niêm yết tại Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) loại 100 con/kg dao động từ 74 - 80 ngàn đồng/kg; loại 70 con/kg giá 90 - 105 ngàn đồng/kg; loại 40 con/kg giá 105 - 124 ngàn đồng/kg và 30 con/kg giá 133 -148 ngàn đồng/kg. Riêng tôm nuôi ao đất giá thấp hơn từ 5 - 10 ngàn đồng/kg so với tôm nuôi ao bạt.

Chẳng những giá tôm không tăng mà gần đây, tôm kích cỡ lớn còn khó tiêu thụ, dù giá đã giảm khá mạnh, mà nguyên nhân theo các đại lý thu mua là do nhiều nhà máy chuẩn bị không mua tôm cỡ lớn nữa. Liên quan đến thông tin trên, theo đại diện các nhà máy, có nhà máy vẫn mua tôm thẻ cỡ lớn bình thường vì họ có hợp đồng tiêu thụ và ngược lại, những nhà máy không mua tôm thẻ cỡ lớn do họ không ký được hợp đồng. Nguyên nhân là do thị trường hiện chủ yếu có nhu cầu cỡ lớn đối với tôm sú, còn cỡ nhỏ thì họ chuyển sang sử dụng tôm thẻ.

Cũng liên quan đến tình trạng tôm thẻ cỡ lớn khó tiêu thụ, ông Võ Văn Phục còn nêu lý do khác: “Ngoài vấn đề thị trường thế giới, việc tôm thẻ cỡ lớn giá rẻ, khó tiêu thụ còn do sản lượng tôm thu hoạch trong nước lớn và tập trung tôm cỡ nhỏ nhiều nên các nhà máy cũng không dám mạo hiểm mua tôm lớn vào dự trữ vì chưa biết thời gian tới có bán được giá cao hay không. Mặt khác, một số nước không nhập tôm Việt Nam vì không đáp ứng các tiêu chuẩn đặt ra, đặc biệt là tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Với những diễn biến trên, theo các doanh nghiệp, giá tôm trong tháng 7 và nhiều khả năng đến hết tháng 8 sẽ khó có khả năng tăng như những dự đoán trước đây. Ông Võ Văn Phục dự báo: “Hiện đang là thời điểm thu hoạch chính vụ, lượng tôm khá dồi dào, nhưng sức mua thị trường vẫn chưa cao, nên trong tháng 7 và nhiều khả năng là cả tháng 8 giá tôm vẫn khó có thể phục hồi mạnh được. Với tình hình hiện nay, khả năng phải đến tháng 10, hoặc sớm nhất cũng là tháng 9 giá tôm mới có điều kiện cải thiện”.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, trong 6 tháng cuối năm, sẽ có khoảng 8 - 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hình thành trên biển Đông, trong đó có khoảng 3 - 4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Do đó, trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 tôm rất khó nuôi vì ảnh hưởng mưa bão, nên nguồn cung cũng khan hiếm, trong khi đây lại là thời điểm các nhà máy phải tập trung sản xuất cho các đơn hàng giao dịp lễ, Tết cuối năm, nên khả năng giá tôm tăng trở lại như dự đoán của ông Phục là hoàn toàn có thể xảy ra.

Có lẽ đến thời điểm này, khả năng thắng lớn về vụ tôm nước lợ năm 2018 là gần như rất khó xảy ra, nên cả người nuôi lẫn doanh nghiệp chỉ tập trung vào hy vọng cuối là giá tôm sớm hồi phục để họ có thể yên tâm đầu tư trong khoảng thời gian còn lại của mùa vụ, nhằm giúp cân bằng hiệu quả đầu tư ở vụ tôm này.

(Theo báo Cần Thơ)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục