Hiệu quả từ mô hình sản xuất tôm - lúa hữu cơ

Năm 2018, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản II - Bộ NN&PTNT đã triển khai cho nông dân xã Khánh Thuận, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) thực hiện mô hình nuôi tôm sú - lúa theo phương pháp hữu cơ. Sau hơn 8 tháng triển khai, mô hình không chỉ giúp người dân tăng năng suất tôm - lúa mà còn giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường.

Mô hình được triển khai vào tháng 3/2018 tại Ấp 11, xã Khánh Thuận, trên diện tích 20 ha, có 16 hộ dân tham gia. Mỗi hộ được hỗ trợ 40 ngàn con tôm sú giống/ha, 15 kg lúa giống F1, phân bón, các chế phẩm sinh học. Đồng thời, hướng dẫn quy trình kỹ thuật từ khâu cải tạo cho đến khi thu hoạch, với tổng kinh phí hơn 115 triệu đồng.

Bà Hồ Thị Năm, Trưởng Ấp 11, xã Khánh Thuận, cho biết, mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Khi tham gia người dân được kỹ sư hướng dẫn thực hiện quy trình cặn kẽ, mọi người thực hiện đồng loạt các khâu nên thuận lợi về mọi mặt, hiệu quả mang lại cao hơn nhiều so với thực hiện theo kiểu truyền thống trước đây”.

Thực hiện mô hình tôm - luá không chỉ cải thiện được môi trường chăn nuôi mà còn tăng thu nhập cho người dân

Ông Lê Văn Nghiêm là một trong những hộ tham gia mô hình với diện tích 1,2 ha. Ông Nghiêm chia sẻ: “Khi tham gia thực hiện mô hình người dân đã thay đổi thói quen sản xuất so với trước đây. Riêng gia đình tôi năm nay lúa - tôm đều tăng năng suất hơn nhiều lần so với năm trước. Nếu như năm trước lúa 20 giạ thì nay đã lên hơn 40 giạ/công, còn tôm, đầu mùa tới giờ thu được hơn 150 triệu đồng, cao hơn từ 50-60 triệu so với năm trước”.

Tham gia thực hiện mô hình, ông Nguyễn Thanh Hùng nhận định, mô hình tôm - lúa hữu cơ là một trong những mô hình kinh tế hiệu quả, không chỉ giúp người dân tăng năng suất trên cùng một diện tích mà còn góp phần tích cực bảo vệ môi trường, hạn chế ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân do chỉ dùng các chế phẩm sinh học.

Có thể nói, mô hình nuôi tôm - lúa hữu cơ là hướng đi mới cho người dân ở những vùng chuyển dịch trên địa bàn huyện U Minh. Chính từ những hiệu quả bước đầu của mô hình nên sau khi mô hình tại Ấp 11 kết thúc, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản II đã tiếp tục triển khai nhân rộng cho người dân ở Ấp 9 và Ấp 10, xã Khánh Thuận.

Bà Hồ Thị Năm cho biết thêm: “Tôi tin rằng khi mô hình được nhân rộng không chỉ giúp người dân làm quen với cách sản xuất mới theo hướng an toàn sinh học, hạn chế tác động đến môi trường mà còn tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.

(Theo báo Cà Mau)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục