Giải quyết tại chỗ nhu cầu vốn nuôi tôm

Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nuôi tôm. Tuy nhiên, hiện vẫn còn những doanh nghiệp kêu khó tiếp cận vốn vay.

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế -NHNN, đến cuối năm 2017, dư nợ đầu tư của ngành ngân hàng đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đã đạt 36.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt gần 31.286 tỷ đồng.

Doanh nghiệp kêu khó, ngân hàng bảo không

Tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân được tổ chức vừa qua, Cty TNHH Huy Long An Mỹ Bình, cùng Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và NHNN về việc doanh nghiệp nuôi tôm khó tiếp cận vốn vay. Theo đó, ông Võ Quan Huy, Giám đốcCty TNHH Huy Long An Mỹ Bình, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh cho biết, tìm kiếm nguồn vốn cho lĩnh vực nuôi tôm hiện nay rất khó khăn và nhiều chủ doanh nghiệp phải tìm tới phương thức hợp tác với các đại lý vật tư để làm hạ tầng nuôi tôm nhưng tính ra lãi suất rất cao. Do vậy, NHNN cần xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ các ngân hàng.

Về kiến nghị vay vốn để nuôi tôm công nghệ cao tại Sóc Trăng và Bạc Liêu nêu trên của ông Võ Quan Huy, theo báo cáo của NHNN chi nhánh tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu, hiện các TCTD trên địa bàn chưa nhận được đề nghị vay vốn nào của Cty TNHH Huy Long An Mỹ Bình. Trong đó, ông Phan Văn Bá- Giám đốc Agribank Sóc Trăng khẳng định chưa nhận được bất kỳ đề nghị vay vốn nào của ông Võ Quan Huy về lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bà Đinh Thị Thái – Phó Tổng giám đốc Vietcombank cũng cho rằng, bất kỳ đề nghị vay vốn nào của doanh nghiệp về lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn đều được ngân hàng đáp ứng đầy đủ. Đây là gói tín dụng ưu đãi đã được Chính phủ đã phê duyệt nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong thời gian qua…

Tuy nhiên, ông Võ Quan Huy cho rằng, những kiến nghị này không phải của riêng doanh nghiệp của ông, mà của các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh. “Bản thân doanh nghiệp của ông đang có quan hệ tín dụng tốt các ngân hàng”, ông Võ Quan Huy nhấn mạnh.

Vướng ở đâu, gỡ ở đó

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, trong quá trình cho vay theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ về việc triển khai gói tín dụng khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch vẫn còn một số vướng mắc, trong đó đặc biệt khó khăn khi ngân hàng xác định khách hàng đáp ứng tiêu chí về dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo quy định.

Về việc cho vay đối với khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng chưa nhiều, do số lượng doanh nghiệp còn hạn chế. Ngoài ra, còn có khó khăn liên quan đến việc doanh nghiệp và người dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp để làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng; chính sách bảo hiểm nông nghiệp chưa được triển khai rộng rãi ảnh hưởng đến việc mở rộng cho vay của các ngân hàng thương mại…

Trước thực tế này, cộng với kiến nghị từ Cty TNHH Huy Long An Mỹ Bình và Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN khẳng định: “Vướng mắc nào thuộc NHNN thì chúng tôi tháo gỡ, còn nếu thuộc các Bộ, ngành khác thì sẽ báo cáo Chính phủ. Ngân hàng đi huy động vốn về, “đỏ mắt” tìm khách hàng cho vay, chứ không có lý gì gặp khách hàng tốt lại không cho vay” .

Ông Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, Chính phủ và NHNN đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nuôi tôm, như ngày 16/4/2014, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 540/QĐ-TTg về chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra. “Các hộ nuôi tôm cần phải chủ động hơn trong việc hợp tác, tiếp cận với ngân hàng, bởi bản thân các ngân hàng hiện nay đang rất muốn cho vay, không chỉ cho vay có tài sản thế chấp mà còn cho vay tín chấp”, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Về phía các TCTD, ông Đào Minh Tú yêu cầu phải thực hiện đúng chính sách ưu đãi cho vay ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với lãi suất dưới 6,5%/năm; cần tiếp tục quan tâm với khách hàng và rà soát lại các khoản vay, nhất là nhu cầu vay nuôi tôm. Vấn đề nào khách hàng chưa đồng thuận, còn vướng mắc gì thì phải giải thích rõ, nếu cần thiết phải báo cáo về hội sở chính NHTM để xử lý…

(Theo DĐDN)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục