Giá tôm giảm bất thường, người nuôi và doanh nghiệp lo lắng

Những ngày này đồng bằng sông Cửu Long lao xao vì giá tôm thương phẩm giảm giá hàng ngày. Giá tôm cỡ 70 con/kg cao điểm ở 120.000 đồng/kg nay còn dưới 100.000 đồng/kg.

Đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025. Theo đó, với mục tiêu 10 tỷ USD/năm, phát triển ngành tôm trở thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.

Các cường quốc nuôi tôm khác như  Equador, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan cũng đề ra tốc độ tăng trưởng sản lượng nuôi năm 2018 từ 10-15%. Thậm chí một nước còn đề ra những mục tiêu táo bạo hơn là đạt sản lượng cao nhất thế giới trong vài năm tới.

Cho tới thời điểm này, các nước Nam bán cầu đã có tôm thu hoạch. Năm nay, Ấn Độ còn tồn kho tôm vỏ block năm trước và lại bắt đầu thu hoạch vụ mới. Trong khi, ở các thị trường lớn vẫn còn hàng tôm tồn kho thì lại chưa tới thời điểm tiêu thụ mạnh. Cán cân cung cầu chao nghiêng bên cung khiến giá tôm thế giới giảm sụt mạnh. Riêng tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay thương lái Trung quốc cũng giảm lượng thu mua.

Tình huống này còn thêm nặng nề hơn hay không? Còn kéo dài tới bao giờ là những câu hỏi từ người nuôi tôm. Mới đầu vụ, giá thức ăn và giá tôm giống đã liên tục tăng giá.

Ngay từ đầu vụ, đáng lẽ khi tôm thương phẩm ít thì giá tôm ở ĐBSCL phải cao nhưng năm nay giá lại rơi xuống mức tệ hại nhất trong nhiều năm qua. Vừa thiếu thông tin, vừa thiếu định hướng từ Nhà nước nhiều người nuôi tôm không khỏi lo lắng.

Không hộ nuôi ít vốn, lo xa đã ngưng chuyện thả nuôi, đợi tình thế mới. Một số hộ nuôi khác có suy nghĩ sâu hơn thì bày cách nuôi mới, thả nuôi mật độ thưa hơn, kéo dài thời gian nuôi, đợi lúc tôm có giá thì vớt bán.

Còn các DN chế biến tôm vướng trong tình trạng “ảm đạm”.  Hợp đồng đã ký kết nhưng khách hàng lại yêu cầu giảm giá. Các đơn hàng chào mới có giá mua quá thấp. Không ký hợp đồng nhà máy không có việc, tôm thương phẩm không có người mua. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, khả năng lớn người nuôi sẽ treo ao, người nuôi đối mặt với thiếu tôm nguyên liệu trầm trọng.

Trong bối cảnh này, DN mới thấy rõ hơn bao giờ hết sự cần thiết của việc xây dựng thương hiệu, lợi thế của những ao tôm nuôi theo quy trình chuẩn quốc tế. Những hệ thống phân phối cao cấp đặt hàng ở những DN tôm có thương hiệu mạnh. Những DN có thương hiệu mạnh là những DN có cái nhìn sâu xa, lâu dài tạo dựng các mối quan hệ mua bán hết sức sòng phẳng, hậu mãi đầy trách nhiệm. Họ cung ứng tôm có xuất xứ từ các trang trại, các ao tôm nuôi sạch, đúng quy trình chuẩn được xác nhận. Sản phẩm của họ được khách hàng tín nhiệm thời gian dài, và nằm trên kệ những hệ thống phân phối lớn, cao cấp, uy tín.

Đứng trước tình hình sản xuất tôm gặp khó khăn, Hiệp hội tôm Mỹ Thanh Sóc Trăng (MTSA) đã động viên hội viên bình tĩnh thả nuôi mật độ thưa hơn dự kiến để giảm thiểu rủi ro, thu hoạch tôm cỡ lớn hơn. Đây được cho là giải pháp dung hòa và đúng đắn tại thời điểm này bởi nếu dừng việc thả nuôi thì chi phí cải tạo ao đã thực hiện bị lãng phí và không nuôi thì lấy gì để sinh kế. Song song đó MTSA còn có những kiến nghị về giải pháp tới Chính phủ và ngân hàng để người nuôi được tháo gỡ phần nào về vốn cho phát triển nuôi tôm đúng hường đã đề ra của Chính phủ và Bộ NN&PTNT.

Nhiều DN tôm đang hi vọng tình hình không hay với con tôm sẽ sớm kết thúc, điều đó đồng nghĩa với việc giá tôm sẽ phục hồi. Tuy nhiên để vượt qua được giai đoạn này cần phải có sự đồng lòng của cả hệ thống như giải pháp thả nuôi giảm giá thành (có khống chế sự tăng giá không rõ ràng về con tôm giống, thức ăn; được hướng dẫn kỹ thuật nuôi tốt hơn…). Và về lâu dài bền vững là giải pháp xây dựng thương hiệu con tôm Việt (truy xuất nguồn gốc, tôm sạch, ao nuôi có chứng nhận đạt chuẩn nuôi…).

Quốc Hồ

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục