Đồng bằng sông Cửu Long phát triển mô hình tôm - lúa

Hiện nay, có 8/13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long có thả nuôi tôm sú, với tổng diện tích khoảng 598.000 ha, trong đó mô hình tôm - lúa và quảng canh cải tiến luôn chiếm diện tích lớn so với các mô hình còn lại.

Theo nhận định của các nhà chuyên môn, xâm nhập mặn và kịch bản nước biển dâng, sẽ dẫn đến nhiều vùng đất bị nhiễm mặn, có khả năng mở rộng diện tích nuôi tôm hoặc buộc phải chuyển đổi sang nuôi tôm để thích ứng. Vì vậy, diện tích nuôi tôm nước lợ những năm tới có khả năng mở rộng lên từ 800.000 - 1 triệu ha, tập trung chủ yếu tại đồng bằng sông Cửu Long. Con tôm nước lợ, đặc biệt là tôm sú (loài bản địa) luôn có giá trị thương mại cao, có thị trường ổn định và khả năng cạnh tranh lớn.

Mô hình nuôi tôm - lúa có tốc độ tăng trưởng khá nhanh tại đồng bằng sông Cửu Long. Nếu như năm 2000, diện tích nuôi tôm - lúa của cả khu vực chỉ có 71.000 ha thì 15 năm sau, diện tích đã tăng lên 175.000 ha, chiếm 30,5% tổng diện tích nuôi tôm sú toàn vùng và sản lượng đạt 75.000 tấn. Các tỉnh có diện tích thả nuôi tôm - lúa lớn gồm: Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng... Năng suất nuôi tôm - lúa bình quân đạt khoảng 300 - 500 kg/ha tôm và 4 - 7 tấn lúa. Chi phí sản xuất trung bình 30 - 35 triệu đồng/ha, lãi suất trung bình 35 - 50 triệu đồng/ha/năm.

(Theo KHPT)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục