Bền vững nuôi tôm quảng canh cải tiến

Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến bền vững ở xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau được triển khai đầu năm 2016. Bước đầu áp dụng thí điểm 5 hộ và đạt hiệu quả khá cao. Đến nay, mô hình được nhân rộng trong toàn xã với diện tích 2.004 ha, mang lại lợi nhuận bình quân 100 triệu đồng/ha/năm.

Theo ông Phan Văn Nhạn, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, lợi thế trước tiên của mô hình này là quy trình nuôi đơn giản, dễ phổ biến và nhân rộng cho người dân. Chi phí đầu tư thấp (chỉ khoảng 6 triệu đồng/ha/năm), chủ yếu đầu tư con giống và men tạo tảo, nguồn thức ăn cho tôm được tận dụng sẵn có trong tự nhiên. Không thay nước trong vuông tôm nhằm giữ lượng rong, ngoài ra còn thường xuyên thả cỏ khô, cây tạp thành từng bó, bổ sung men tạo tảo nhằm tạo nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào.

Lượng con giống được thả nuôi theo mật độ thưa, chỉ từ 3.000-4.000 con/ha và được thả thường xuyên hằng tháng thay vì cứ thả với số lượng nhiều một lần như trước đây. Cứ áp dụng đúng quy trình này, sau 3,5-5 tháng có thể thu hoạch. Do mật độ thả nuôi thưa lại được thả nối tiếp thường xuyên nên chất lượng tôm đạt đầu con cao và cho thu hoạch bền vững. Một trong những ưu điểm của mô hình này là luôn hạn chế hoặc hầu như không sử dụng hoá chất nên không làm ảnh hưởng đến môi trường, bên cạnh đó có thể kết hợp nuôi cua, cá tạo thuận lợi phát triển kinh tế lâu dài.

Là một trong những hộ được chọn nuôi thí điểm và đạt hiệu quả khá cao trong năm qua, với 3 ha đất thả nuôi, ông Phạm Hoàng Phương, ấp Đất Sét, xã Phú Thuận đã đạt lợi nhuận hơn 300 triệu đồng. Hiện tại, với vai trò chi hội trưởng nông dân của ấp, ông Phương thường xuyên mày mò học hỏi để nắm vững các kiến thức nuôi trồng áp dụng cho mô hình, từ đó thường xuyên tiếp cận, hướng dẫn cho các thành viên của tổ hợp tác sản xuất cũng như bà con trong ấp cách nuôi sao cho đạt hiệu quả cao.

Anh Lê Ngọc Nin, ấp Đất Sét, cũng là trường hợp điển hình, luôn được nhắc đến khi thành công với mô hình nuôi tôm thí điểm và duy trì áp dụng đến thời điểm hiện tại với lợi nhuận hằng tháng 10 triệu đồng/ha. Khi được hỏi về tính hiệu quả của mô hình, anh tự tin: "Không thành công thì cũng không sợ lỗ vốn vì chi phí bỏ ra rất ít, phù hợp với những hộ gia đình kinh tế eo hẹp. Ngược lại, nếu tuân thủ đúng quy trình, tỷ lệ hao hụt rất thấp và mang lại hiệu quả cao, cho người nuôi thu nhập ổn định".

Trước những hiệu quả kinh tế mang lại, năm 2017, Đảng uỷ, UBND xã Phú Thuận đã xây dựng đề án thành lập 2 tổ hợp tác nuôi tôm với tổng số 45 thành viên ở ấp Đất Sét, phát triển số lượng hộ nuôi thí điểm thành 10 hộ và giao cho Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xã quản lý nhằm phát huy vai trò của các hội, đoàn thể, đồng thời phổ biến nhân rộng trên toàn xã. Theo kế hoạch, thời gian tới sẽ tiếp tục thành lập mỗi ấp một tổ hợp tác sản xuất mô hình này.

Để từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương, thời gian qua, xã Phú Thuận đã triển khai mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến bền vững và cấp miễn phí con giống, thuốc cho 250 hộ là cựu chiến binh, hộ nghèo trong toàn xã với số lượng con giống hơn 1,1 triệu post. Song song đó, phối hợp với cán bộ khuyến nông, khuyến ngư thường xuyên triển khai các lớp tập huấn, lồng ghép vào các buổi họp chi bộ, đoàn thể... Từ đó, bà con làm ăn hiệu quả, góp phần đưa kinh tế của xã phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,37%, thu nhập bình quân đầu người tính đến cuối năm 2017 là 39 triệu đồng.

Ông Phan Văn Nhạn thông tin thêm, theo đà thành công khi áp dụng mô hình này sẽ là bước đệm để từng bước nâng những tổ hợp tác sản xuất lên thành hợp tác xã, mạnh dạn xây dựng các tổ hợp tác kinh tế hộ gia đình bền vững không chỉ độc canh con tôm mà còn ở các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt nhằm đưa kinh tế ngày một phát triển. Qua đó, góp phần hoàn thiện các tiêu chí xã nông thôn mới vào năm 2018.

(Theo báo Cà Mau)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục