‘Kiểm soát, quản lý thật chặt điều kiện nuôi tôm siêu thâm canh’

Ngày 28/8, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cà Mau tổ chức Hội thảo khoa học về thực trạng và giải pháp nuôi tôm siêu thâm canh (STC) trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đến dự và phát biểu khai mạc.

Hội thảo lần này nhận được sự quan tâm từ 130 giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học cùng với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người nuôi tôm STC trong và ngoài tỉnh.

Hiện nay, nghề nuôi tôm trong tỉnh đang bước sang tầm cao mới. Không những mở rộng về diện tích, phát triển nhiều loại hình nuôi mà còn áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tập trung đầu tư công nghệ tiên tiến vào nuôi tôm STC, để trở ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Từ khoảng 100ha nuôi tôm STC năm 2006, hiện đã tăng lên 1.842ha vào thời điểm hiện nay, năng suất bình quân đạt từ 30 - 50 tấn/ha/vụ, cá biệt có nhiều diện tích đạt trên 100 tấn/ha/vụ, tỷ lệ nuôi thành công đạt trên 85%.

Dự báo loại hình nuôi này sẽ tiếp tục phát triển mạnh thời gian tới, có khả năng đạt 5.000ha vào năm 2020 và đạt 10.000ha vào năm 2030.

Tuy nhiên, hiện nay đang tồn tại nhiều quy trình nuôi khác nhau, chưa có quy trình chuẩn, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương.

Qua kiểm tra thực tế, có đến 50% diện tích và số hộ nuôi không đáp ứng các điều kiện nuôi theo quy định. Nạn xả thải từ các ao nuôi trực tiếp ra môi trường bên ngoài, gây ô nhiễm, dịch bệnh lây lan, đe dọa đến tính bền vững cho nghề nuôi tôm trong tỉnh.

Nhiều đại biểu còn quan tâm đến chất lượng con giống, thức ăn, thuốc thú y - thủy sản, giá cả đầu tư ban đầu tăng cao, đầu ra bấp bênh, dẫn đến hiệu quả sản xuất chưa cao.

Đặt biệt, sản xuất con giống là một khâu quan trọng, quyết định năng suất và chất lượng sau thu hoạch. Thế nhưng, hiện nay tình trạng sản xuất con giống tràn lan, khó kiểm soát, khiến dịch bệnh trên tôm nuôi thường xuyên xảy ra, đang là vấn đề “nóng” cần được quản lý chặt chẽ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử: Với diện tích nuôi tôm trên 300.000ha, trong đó có 1.842ha nuôi tôm STC; công tác quy hoạch vùng nuôi tôm STC tập trung triển khai đã lâu nhưng chưa được phê duyệt. Hiện vùng quy hoạch và không quy hoạch đều giống nhau, muốn có vùng nuôi tập trung thì tỉnh đang tìm giải pháp dồn điền đổi thửa, thu hút người nuôi tôm.

Trước mắt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng cho người dân biết quy hoạch. Người dân thực hiện các quy định của vùng nuôi cũng như công tác bảo vệ môi trường. Các địa phương có chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất con giống, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, tạo ra lưới chắn sàng lọc con giống chất lượng trước khi thả nuôi.

Với công tác kiểm soát, tỉnh đang quyết liệt trong triển khai điều kiện nuôi tôm; quan tâm mô hình doanh nghiệp xã hội, đơn cử như Công ty Tập đoàn thủy sản Minh Phú thực hiện rất hiệu quả.

Tới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục phối hợp với các hội, các địa phương tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo sản xuất đạt hiệu quả và bền vững trong nuôi tôm STC thời gian tới.

(Theo báo Ảnh Đất mũi)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục