Xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc cần lưu ý gì để không bị trả lại?

Đến ngày 11/3, có 52 lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt nam bị Trung Quốc trả về vì phát hiện SAR-CoV-2. Cục NAFIQAD đề nghị các doanh nghiệp kiểm soát an toàn thực phẩm, dịch bệnh và phòng chống COVID-19 trong quá trình sản xuất, xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc.

Nhiều lô hàng thủy sản bị Trung Quốc cảnh báo

Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) cho biết gần đây Trung Quốc đưa ra một số cảnh báo đối với một số doanh nghiệp thủy sản liên quan đến việc kiểm dịch virus SARS-COV-2 trên mặt ngoài/mặt trong bao bì, thành trong container và trong sản phẩm. 

Ngoài ra, nước này cảnh báo nhiều lô hàng thủy sản về chỉ tiêu phosphate (cá, tôm đông lạnh, mực khô); bệnh thủy sản IHHNV, WSSV (tôm đông lạnh); kháng sinh cấm Chloramphnicol (ốc hương sống), Cadmium (cá cơm khô, tôm sú sống).

Theo  NAFIQAD, từ đầu năm đến ngày 11/3, có 52 lô hàng của 36 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản Việt Nam bị cảnh báo, trả về vì phát hiện virus trên mặt bao bì, kiện hàng và trên mẫu sản phẩm. 

Nguyên nhân là một số doanh nghiệp chưa nắm vững và đáp ứng quy định của thị trường Trung Quốc.

Theo đó, cơ quan thẩm quyền Trung Quốc đã đình chỉ nhập khẩu đối với doanh nghiệp Việt Nam có lô hàng bị phát hiện vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng tạm dừng thủ tục nhập khẩu đối với doanh nghiệp có lô hàng bị phát hiện SARS-COV-2 trong một thời gian. 

Tùy thuộc vào số lần bị phát hiện virus Sars-Cov-2 (trên bao bì hoặc thực phẩm), doanh nghiệp có thể bị đình chỉ thủ tục nhập khẩu trong vòng từ 1 – 4 tuần. Ngoài ra, cơ quan thẩm quyền của Trung Quốc cũng sẽ kiểm tra trực tuyến đối với doanh nghiệp.

Qua kiểm tra trực tuyến, phía Trung Quốc phản hồi về điều kiện bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm như sau: một số điểm chưa phù hợp liên quan đến bố trí thực hành sản xuất, thực hành và giám sát thực hành vệ sinh trong quá trình sản xuất.

Ngoài ra, phía nhập khẩu cũng sẽ kiểm tra các biện pháp kiểm soát công tác phòng chống COVID-19 của các cơ sở cung cấp nguyên liệu/bán thành phẩm; bố trí ăn trưa cho công nhân trong khuôn viên nhà máy; biện pháp cách ly đối với công nhân bị nhiễm/nghi nhiễm COVID-19; quy trình triệu hồi lô hàng bị cảnh báo phát hiện SARS-CoV-2; quy trình, thao tác khử khuẩn bao bì, bán thành phẩm, xe vận chuyển…

52 lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt nam bị Trung Quốc trả về vì phát hiện virus SAR-CoV-2. (Ảnh minh họa: Jfood)

Đại diện NAFIQAD đề nghị các doanh nghiệp nhận thức đúng mức độ quan trọng của công tác kiểm soát an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và phòng chống COVID-19 trong quá trình sản xuất, xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc.

Đồng thời, cập nhật và tuân thủ các quy định của Việt Nam và Trung Quốc về an toàn thực phẩm, có biện pháp kiểm soát chặt các chỉ tiêu mà Trung Quốc cảnh báo.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp phòng chống COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và các khuyến cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Trong đó, doanh nghiệp cần quản lý người, phương tiện, vật tư ra vào nhà máy; quá trình sản xuất, bao gói, bốc xếp thành phẩm ra/vào kho, lên/xuống container: yêu cầu người tham gia các công đoạn này phải tuyệt đối mang khẩu trang 100% thời gian làm việc, thường xuyên khử trùng tay và định kỳ được xét nghiệm sàng lọc.

Đồng thời, thực hiện các biện pháp vệ sinh, làm sạch và khử trùng đối với bao bì sản phẩm trước, trong và sau khi sử dụng; chủ động lấy mẫu bao bì để xét nghiệm thẩm tra chỉ tiêu virus SARS-CoV-2.

Điều kiện xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc

Trước những quy định mới của thị trường Trung Quốc, NAFIQAD đã tổng hợp các điều kiện để doanh nghiệp thủy sản được phép xuất khủa sang Trung Quốc.

Đó là các cơ sở được NAFIQAD thẩm định, chứng nhận an toàn thực phẩm và có tên trong danh sách được phép xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc.

Các lô hàng được thẩm định, kèm theo chứng thư theo mẫu do NAFIQAD cấp theo mẫu quy định. Đồng thời, sản phẩm xuất khẩu nằm trong danh mục được Trung Quốc công nhận gồm 128 loài/ dạng sản phẩm và 48 loài thủy sản động vật thủy sản sống

Riêng cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, tôm hùm sống thì các cơ sở phải có tên trong danh sách riêng được Trung Quốc công nhận. Các cơ sở nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng phải có tên trong danh sách được Trung Quốc công nhận.

Đồng thời, các cơ sở nuôi này phải được cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản ở địa phương kiểm tra, chứng nhận điều kiện an toàn thực phẩm/điều kiện vệ sinh thú y và được cấp mã số. Và được cơ quan thú y địa phương triển khai giám sát các bệnh TSV, MBV, WSSV, IHHNV của 3 giai đoạn nuôi.

Về tiêu chí phòng chống COVID-19, doanh nghiệp cần nghiên cứu hướng dẫn của FAO, WHO và áp dụng “Hướng dẫn phòng chống COVID-19” (bản cập nhật) ban hành tháng 2 của Trung Quốc, trong đó có một số điểm mới:

- Thiết lập hệ thống đăng ký sức khỏe cho nhân viên khi đi làm: công nhân mới phải có chứng nhận đã tiêm phòng COVID-19, kết quả xét nghiệm PCR trong vòng 48 giờ.

- Theo dõi sức khỏe nhân viên hàng ngày: thiết lập Sổ tình trạng sức khỏe (bao gồm 10 triệu chứng chủ yếu: sốt, ho khan, mệt mỏi, giảm khứu giác vị giác, nghẹt mũi, chảy mũi, đau họng, viêm kết mạc, đau cơ, đau bụng tiêu chảy).

- Xét nghiệm PCR đối với nhân viên: nhân viên tham gia sản xuất phải được test PCR. Nhân viên tại các vị trí rủi ro cao (vận chuyến, bốc dỡ, tháo container, khử trùng, xe nâng, quản kho, bao gói, lấy mẫu,… cần được tăng cường tần suất xét nghiệm phù hợp.

- Các loại chất khử trùng, cách sử dụng các chất khử trùng, đánh giá hiệu quả khử trùng.

Phương Linh (Theo vietnambiz.vn)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục