(vasep.com.vn) Tập đoàn OIG (sàn dịch vụ nhập khẩu thực phẩm đông lạnh của Trung Quốc) vẫn lạc quan về tăng trưởng tiêu thụ hải sản dài hạn, bất chấp sự biến động của thị trường gần đây và sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng.
Hiện tại, nhập khẩu tôm của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm 10% về khối lượng trong năm nay. Do giá tôm thấp hơn, giá trị nhập khẩu của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm gần một phần tư.
Theo OIG, sự suy giảm này phản ánh một "giai đoạn chuyển tiếp" cuối cùng sẽ dẫn đến tăng nhu cầu.
Kelly Wang, Giám đốc điều hành cấp cao tại OIG cho biết, tiêu thụ có thể có sự suy giảm nhẹ hoặc ổn định trong năm nay, nhưng trong những năm sau, vẫn còn cơ hội lớn để phát triển.
OIG là nhà cung cấp dịch vụ nhập khẩu thực phẩm hàng đầu của Trung Quốc. Năm ngoái, công ty này đã hỗ trợ nhập khẩu 189.300 tấn tôm nước ấm, chiếm khoảng 19% tổng số tôm nhập khẩu của Trung Quốc. Công ty này cũng giúp nhập khẩu 630.000 tấn thịt heo và 500.000 tấn thịt bò vào năm 2023 - hơn 20% thị phần nội địa của Trung Quốc cho mỗi loại.
Có trụ sở tại Thâm Quyến, gần Hồng Kông, OIG tự hào có hơn 1.000 nhân viên trên toàn quốc. Doanh thu 57 tỷ NDT (8,1 tỷ USD) của công ty vào năm 2023 đã xếp hạng thứ 404 trong số các công ty lớn nhất của Trung Quốc trên tất cả các ngành công nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp nhà nước.
Các dịch vụ của công ty bao gồm thông quan, tài trợ hàng tồn kho thế chấp, kho kiểm soát nhiệt độ tại 300 địa điểm, kiểm soát chất lượng, logistics và thậm chí cả kênh thương mại điện tử và studio phát trực tiếp của người nổi tiếng để kích thích doanh số.
Sự tích hợp của OIG vào chuỗi cung ứng nhập khẩu thực phẩm mang lại cho công ty cái nhìn tổng quan về hoạt động nhập khẩu tôm của Trung Quốc. Dựa trên phân tích của riêng công ty, Wang cho biết nhập khẩu có thể phục hồi lên mức tăng trưởng hàng năm hai con số khi tồn kho bình thường và thu nhập tăng thúc đẩy nhu cầu.
Tiêu thụ tôm ít phụ thuộc vào biến động kinh tế hơn so với các mặt hàng hải sản xa xỉ, Wang giải thích, điều này làm giảm tác động của sự suy thoái gần đây đối với tiêu thụ tôm. "Tôm không phải là sản phẩm có giá trị cao. Đó là nhu cầu cơ bản, nhu cầu hàng ngày," bà nói.
Cả hai giám đốc điều hành đều nhấn mạnh sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng, đặc biệt là trong giới trẻ Trung Quốc, những người ngày càng quan tâm đến sức khỏe và tìm kiếm các nguồn cung cấp protein đa dạng.
Điều này đồng nghĩa với việc chuyển từ một lượng lớn món ăn từ thịt - thường được coi là biểu tượng của sự giàu có - trên bàn ăn sang các lựa chọn lành mạnh hơn, như hải sản.
Trong khi đó, vẫn còn nhiều tiềm năng ở các khu vực nội địa nơi tiêu thụ tôm trước đây thấp hơn, mang lại một hướng đi khác để tăng trưởng.
OIG cho rằng việc loại bỏ các rào cản thị trường thông qua cải thiện chuỗi cung ứng sẽ giúp mang lại tăng trưởng tiêu thụ cao. Công ty tìm cách thực hiện điều này bằng cách mang lại sự ổn định hơn thông qua các quan hệ đối tác trực tiếp với nhà cung cấp trong và ngoài nước, cũng như nhập khẩu sản phẩm của riêng mình.
OIG vẫn nhận định thị trường lớn nhất của mình là Trung Quốc, do quy mô dân số và sự thay đổi sở thích ăn uống của quốc gia này. Dựa trên số liệu chính thức, lượng tiêu thụ tôm hàng năm ở Trung Quốc là 1,9kg-2,4kg/đầu người, tương đương 4,1 -5,3 pao, so với 2,7kg/đầu người ở Mỹ. Mức tiêu thụ tôm bình quân đầu người tại Trung Quốc vẫn tương đối thấp so với Mỹ. Chỉ cần một hoặc hai phần trăm sự thay đổi từ việc chuyển từ tiêu thụ thịt heo sang tôm sẽ tạo ra sự thúc đẩy đáng kể cho lượng tiêu thụ, xét theo quy mô dân số của Trung Quốc.