(vasep.com.vn) Theo Hiệp hội thủy sản hàng đầu Trung Quốc, thâm hụt thương mại thủy sản của Trung Quốc dự kiến sẽ thu hẹp đáng kể vào năm 2024 do lượng nhập khẩu giảm và sở thích của người tiêu dùng thay đổi.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh thủy sản Trung Quốc năm 2024 do Liên minh chế biến và tiếp thị sản phẩm thủy sản Trung Quốc (CAPPMA) tổ chức từ ngày 13-15/11 tại Bắc Kinh, người đứng đầu tổ chức này, Cui He, dự đoán rằng mặc dù thâm hụt đang thu hẹp, Trung Quốc vẫn sẽ là một trong những thị trường lớn trên thế giới.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã chuyển từ nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất sang nước nhập khẩu ròng. Tuy nhiên, năm 2024, thâm hụt này dự kiến sẽ thu hẹp. Nếu không tính đến việc nhập khẩu bột cá và dầu cá, Trung Quốc vẫn sẽ là nước xuất khẩu ròng.
Dữ liệu hải quan cho thấy vào năm 2022, Trung Quốc lần đầu tiên trở thành nước nhập khẩu thủy sản ròng, với mức thâm hụt là 675 triệu NDT (93,4 triệu USD). Con số này sau đó tăng lên 3,31 tỷ NDT vào năm 2023, khi giá trị nhập khẩu của Trung Quốc đạt mức cao mới. Nhưng trong ba quý đầu năm 2024, mức thâm hụt chỉ là 2,11 tỷ NDT.
Trung Quốc vẫn là nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất, nhưng Na Uy có thể vượt qua Trung Quốc vào năm nay hoặc năm sau.
Ông cho rằng, trong 6 năm qua, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của các nước xuất khẩu thủy sản lớn trên thế giới, bao gồm Na Uy, Việt Nam, Ecuador, Chile và Ấn Độ, là dương, trong khi Trung Quốc là nước duy nhất có tốc độ tăng trưởng âm.
Từ năm 2023 đến năm 2024, mức tiêu thụ hải sản ở Trung Quốc chậm lại. Số lượng nhà hàng hải sản giảm 5.554, nhà hàng tôm crayfish giảm 12.252. Tuy nhiên, số lượng nhà hàng lẩu hải sản tăng 29.902, theo dữ liệu do Cui thu thập.
Ông cho biết: "Điều này cho thấy người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các nguyên liệu rẻ hơn, được chế biến tối thiểu vì họ tập trung hơn vào việc kiểm soát chi tiêu khi ăn ngoài".