Phần lớn nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc là đi vào Quảng Tây

Hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu ở tỉnh Lạng Sơn, nông sản chiếm đến 80%. Ở phía bên kia, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) cũng là nơi tiếp nhận hơn 90% nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, ngành Nông nghiệp nước ta cần thương thuyết cơ chế giao thương đặc thủ với tỉnh Quảng Tây…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tại "Hội nghị Thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt - Trung trong bối cảnh mới", do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc tổ chức vào ngày 14/2/2023, ông Đỗ Nam Trung, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc) cho biết Quảng Tây hiện chiếm đến 90% kim ngạch thương mại nông sản biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc. Tại Quảng Tây, trái cây là sản phẩm được chú trọng nhất, bởi tỉnh có nhiều cửa khẩu thông quan từ Việt Nam sang.

Hàng hóa xuất qua các cửa khẩu lạng sơn: 80% là nông sản

Theo ông Đỗ Nam Trung, Quảng Tây vẫn sẽ là trọng điểm trong xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc với nền tảng hạ tầng tốt và đang tiếp tục được đầu tư, phát triển. Năm 2022, tại Quảng Tây, giá trị nhập khẩu nông sản Việt Nam chỉ giảm khoảng 0,2% so với năm trước đó, song năm nay được kỳ vọng sẽ bật lên mạnh mẽ.

Nhận định “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đang có giữa tỉnh Quảng Tây cùng các địa phương có biên giới với tỉnh này của Việt Nam, ông Trung bày tỏ đây sẽ là điểm cầu nối giữa nông dân và người tiêu dùng.  Vì vậy, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn nên thương thuyết với Lãnh đạo tỉnh Quảng Tây Trung Quốc, bàn thảo xây dựng cơ chế giao thương đặc thủ với tỉnh này.

“Chúng ta cần tận dụng hiệu quả hơn nữa cơ chế hợp tác giữa hai nước để tháo gỡ khó khăn, hàng rào kỹ thuật; đồng thời xây dựng lộ trình, kế hoạch mở cửa thị trường cho mặt hàng xuất khẩu, đánh giá kỹ năng lực sản xuất trong nước và nhu cầu của thị trường Trung Quốc”, ông Trung khuyến cáo.

Phần lớn nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc là đi vào Quảng Tây

Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn: "Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, an toàn và bình đẳng cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh".

Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho hay trong gần 3 năm xảy ra dịch Covid-19, tỉnh Lạng Sơn đã ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng cửa khẩu; tăng cường cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

"Lượng xe thông quan xuất nhập khẩu trong tháng 1/2023 đạt khoảng 1.000 xe/ngày. Kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh trong tháng 1/2023 tăng 108,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mặt hàng nông sản, trái cây xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 80% tổng giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn".

Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn.

“Tỉnh cố gắng minh bạch hóa các quy trình, tiết giảm tối đa chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp; triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, an toàn và bình đẳng cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh”, ông Hồ Tiến Thiệu khẳng định.

Thông tin về hoạt động xuất khẩu qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn, ông Hồ Tiến Thiệu cho hay năm 2022 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh đạt 3,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 940 triệu USD; xuất khẩu nông sản đạt 1,7 triệu tấn, với tổng trị giá khoảng 705 triệu USD.

Hiện Lạng Sơn duy trì thông quan hàng hóa tại 5 cửa khẩu gồm: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, Cốc Nam, Ga Đồng Đăng. Từ ngày 19/01/2023, ga Kép, huyện Lạng Giang, Bắc Giang đã được Bộ Giao thông vận tải cho phép tạm thời khai thác hoạt động liên vận quốc tế. Đây là điều được cho là sẽ giảm tải cho ga Gia Lâm, cũng như giúp nông sản Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc.

Từ ngày 8/01/2023, cùng với việc thực hiện điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch của Trung Quốc, các hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu theo phương thức truyền thống tại một số cửa khẩu đã dần được khôi phục.

Ông Thiệu đề nghị các địa phương có vùng trồng, vùng sản xuất, chế biến xuất khẩu lớn, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần tăng cường hiệu quả quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, tuân thủ quy định của thị trường Trung Quốc.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả cho biết Trung Quốc đang hướng tới tăng cường nhập khẩu rau quả từ khối ASEAN. Thông qua Hiệp định RCEP, doanh nghiệp các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam có nhiều điều kiện tiếp cận thị trường 1,4 tỷ dân.

Khó khăn lớn nhất trong việc đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc, theo ông Nguyên là còn tới 7/12 mặt hàng xuất khẩu chưa có nghị định thư. Điều này khiến một số mặt hàng chủ lực như thanh long, xoài, mít khó phát huy hết tiềm năng.

Một vấn đề nữa được ông Nguyên nêu tại hội nghị, là thời gian xét duyệt mã số vùng trồng, mã số đóng gói còn lâu. Ví dụ như thanh long cần khoảng 6-7 tháng để được phê duyệt, sầu riêng có tiềm năng và giá trị lớn nhưng mã số cấp còn ít, chiếm khoảng 5% tổng diện tích vùng trồng. Qua hội nghị, ông Nguyên đề nghị các cơ quan quản lý quan tâm hơn nữa đến mặt hàng rau quả, để sản phẩm này nâng cao giá trị hơn nữa trong tương lai.

Phải bỏ tư duy buôn chuyến

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2023 sẽ có nhiều khó khăn hơn so với 2022. Khó khăn này sẽ xuất phát từ khủng hoảng năng lượng, lạm phát kinh tế toàn cầu, cũng như dịch bệnh có nguy cơ bùng phát.

Phần lớn nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc là đi vào Quảng Tây

Ông Nguyễn Như Tiệp: "Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2023 sẽ có nhiều khó khăn hơn so với 2022".

Để duy trì hoạt động giao thương sang Trung Quốc, ông Nguyễn Như Tiệp khuyến cáo doanh nghiệp thực hiện 3 vấn đề.

Một là, tiếp tục thực hiện Lệnh 248, 249, trong đó có hoàn thiện đăng ký bổ sung trước ngày 30/6/2023.

Hai là, doanh nghiệp cần có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tương đương với HACCP. Ba là, đảm bảo các yếu tố kỹ thuật trước khi Trung Quốc tiến hành kiểm tra trực tuyến và kiểm tra thực địa.

Ba là, bên cạnh việc minh bạch hóa thông tin thị trường, chúng ta cần có phương án đẩy mạnh quản lý về mã số vùng trồng vùng nuôi, thúc đẩy xúc tiến thương mại.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan dẫn câu nói của Hồ Tuyết Nham, một thương gia nổi tiếng của Trung Quốc thế kỷ 19, rằng: “Nếu tầm nhìn trong thiên hạ, chúng ta có thể buôn bán trong cả thiên hạ”, tư lệnh ngành mong muốn người Việt Nam nghiên cứu, học hỏi những triết lý buôn bán của nước bạn như: Buôn có bạn bán có phường, Một lần bất tín vạn lần bất tin, Trăm người bán vạn người mua…

"Mỗi thị trường có một văn hóa, mỗi người tiêu dùng có một thói quen. Việc thích ứng với những lệnh của Trung Quốc như 248, 249 và sắp tới là 259, sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, xuất khẩu một cách bền vững”.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

“Người nông dân nên bỏ dần tư duy buôn chuyến, bỏ từ buôn bán thương mại sang hợp tác song phương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao cùng các đơn vị liên quan cam kết sẽ làm mọi cách để thúc đẩy quan hệ hợp tác giao thương với Trung Quốc, để hai bên có thể đồng hành một cách bền vững, lâu dài”, Bộ trưởng Hoan bày tỏ.

Một điểm nữa được Bộ trưởng nhắc đến là “sức ì” khi đâu đó xuất hiện tư tưởng hài lòng với con số lợi nhuận. Ông cho rằng thành công của hợp tác giao thương không chỉ dừng ở việc buôn bán có lãi một vài chuyến, mà cần phải tạo ra một hệ sinh thái ngành hàng, cũng như sức lan tỏa trong toàn xã hội, giúp người dân yên tâm sản xuất trên chính cánh đồng của mình.

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp đã xây dựng và triển khai nhiều chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển bền vững. Từ đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem 2023 là năm chuẩn hóa các công tác quản lý, từ khâu canh tác, logistics, cũng như quan hệ thương mại với các nước. Bộ trưởng mong muốn các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sẽ tạo ra sức phát triển mới cho cộng đồng. 

Bảo Ngọc (Theo VnEconomy)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục