Việt Nam - Nhật Bản hướng đến hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng nông sản, từ đó phục vụ cho xuất khẩu ra thế giới.
Quảng Ninh có lợi thế, tiềm năng để phát triển nuôi biển, hướng tới xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Thành.
Tiềm năng, lợi thế xuất khẩu nông sản
Tỉnh Quảng Ninh được ví như một "Việt Nam thu nhỏ”, có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, có diện tích tự nhiên 6.200 km2. Tỉnh có điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng thuận lợi cho phát triển các ngành kinh tế dịch vụ, du lịch, công nghiệp và sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, ngư nghiệp.
Với những tiềm năng, cơ hội nổi trội, những năm qua, kinh tế Quảng Ninh phát triển mạnh, tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, liên tục 8 năm liền, từ năm 2016 đến nay đều tăng trên 10%.
Ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, cùng với cả nước, Quảng Ninh mong muốn xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, bền vững và hiệu quả với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung vào các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh, hướng đến xuất khẩu. Trong đó, có thể kể đến lĩnh vực thủy sản và lâm nghiệp.
Về thủy sản, diện tích mặt nước hơn 6.000 km2, cùng hơn 43.000ha rừng ngập mặn và 40.000 bãi triều, trên 20.000ha eo vịnh. Đặc biệt, vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng được xác định là một trong bốn ngư trường trọng điểm của cả nước, có nguồn lợi hải sản đa dạng, phong phú. Đây là những tiềm năng, lợi thế nổi trội, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế biển và thủy sản.
Về lâm nghiệp, Quảng Ninh sở hữu diện tích rừng lớn, đứng thứ 18/63 tỉnh thành trên cả nước. Cụ thể, diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 435.000ha, chiếm khoảng 70% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, trong đó có 372.000ha đất có rừng, tỷ lệ che phủ rừng giữ ổn định ở mức 55%, cao hơn bình quân chung của cả nước 13%. Diện tích trồng rừng tập trung đạt trên 12.200 ha/năm.
Trong lĩnh vực nuôi biển, Quảng Ninh đưa ra quy chuẩn vật liệu thân thiện với môi trường. Ảnh: Nguyễn Thành.
Hợp tác nâng tầm giá trị nông sản
Quảng Ninh là tỉnh tiên phong sang Nhật Bản học tập và đưa Phong trào OVOP (One Village One Product) về Quảng Ninh thành Chương trình Kinh tế nông thôn OCOP (One Commune One Product), được Trung ương đánh giá và nhân rộng thành Chương trình quốc gia OCOP - là chương trình trọng tâm trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, là động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho khu vực nông thôn.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh là tỉnh có nhiều hợp tác nông nghiệp với các tỉnh của Nhật Bản và thành phố thuộc tỉnh Hokkaido. Tỉnh có lợi thế gần thị trường Đông Bắc Á và Nhật Bản, đây sẽ là địa chỉ để các doanh nghiệp Nhật Bản nói chung có thể hợp tác, đầu tư các nhà máy chế biến các sản phẩm nông lâm thủy sản để phục vụ cho xuất khẩu.
Ngoài ra, bằng những kinh nghiệm và lợi thế sẵn có của tỉnh Hokkaido có thể hợp tác với tỉnh Quảng Ninh nhằm trao đổi, nâng cao năng lực quản lý, phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh.
Đồng thời các doanh nghiệp Nhật Bản có thể đầu tư chuyển giao công nghiệp chế biến, sản xuất các sản phẩm nông sản, thủy sản của tỉnh Quảng Ninh để phục vụ thị trường khổng lồ khách du lịch Quảng Ninh, Đồng bằng Sông Hồng, đồng thời chuyển giao công nghiệp chế biến các sản phẩm lâm sản phục vụ xuất khẩu.
Với mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, có sức cạnh tranh, đóng góp vào mục tiêu chung phát triển nông thôn văn minh, hiện đại, đồng bộ với tăng trưởng xanh phát triển đô thị và công nghiệp dịch vụ hiện đại của tỉnh Quảng Ninh.
Qua Hội thảo chuyên đề nông nghiệp tăng trưởng xanh năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đề xuất với hai Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam và Bộ Nông Lâm Thủy sản Nhật Bản có thể coi Quảng Ninh là trung tâm hợp tác về nuôi trồng thủy sản, chế biến nông lâm thủy sản phục vụ xuất khẩu. Qua đó, trở thành hợp tác mẫu mực giữa Bộ Nông nghiệp của hai Quốc gia Nhật Bản - Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh đăng ký tiên phong đi đầu trong hợp tác này.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Thành.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, nông nghiệp của hai nước Việt Nam và Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng. Việt Nam luôn coi Nhật Bản là một mô hình mẫu mực để học tập.
"Hợp tác nông nghiệp giữa hai nước thời gian qua đã đóng góp có ý nghĩa vào phát triển nền nông nghiệp Việt Nam và hiện tại Nhật Bản đang đồng hành hỗ trợ Việt Nam thực hiện chiến lược ngành đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thông qua quá trình thay đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” để đạt được mục tiêu “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, cần hoàn thiện quy trình sản xuất, đồng bộ và hệ thống từ tư duy đến hành động. Thị trường thế giới rộng mở nhưng để nông sản của nhà nông, sản phẩm của doanh nghiệp được tin dùng, đòi hỏi yêu cầu chuẩn hóa mọi quy trình. Ngành nông nghiệp sẽ phải đổi mới tư duy sản xuất.
Song song với mục tiêu duy trì, cải thiện năng suất, sản lượng, nền nông nghiệp cần phát triển tích hợp “đa giá trị” để tạo ra giá trị tăng thêm dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường, xuất khẩu, chuỗi giá trị toàn cầu.
Đây là hướng đi rất quan trọng và cần có lộ trình, bước đi, có chính sách đầu tư chiến lược, bài bản, dài hơi để tạo ra sự chuyển biến thực sự về chất lượng sản phẩm, gắn với nền nông nghiệp sinh thái, bảo vệ môi trường và chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Ngành nông nghiệp sẽ hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường. Ngành nông nghiệp cũng kỳ vọng Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững sẽ được truyền thông lan tỏa để định vị đúng vai trò, vị trí, sứ mệnh của nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Ông Maitachi Shoji, Thứ trưởng chuyên trách Bộ Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, chia sẻ về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản. Ảnh: Nguyễn Thành.
Ông Maitachi Shoji - Nghị sĩ Thượng viện, Thứ trưởng chuyên trách Bộ Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản chia sẻ: "Năm 2023 là năm đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam, chúng tôi mong muốn tăng cường hơn nữa sự hợp tác không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà cả trong các lĩnh vực khác và góp phần tiếp tục xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn nữa giữa hai quốc gia".
Hợp tác kỹ thuật nông nghiệp giữa Nhật Bản và Việt Nam, ông Maitachi Shoji cho biết, hai bên đã xây dựng và cập nhật “Tầm nhìn trung và dài hạn về Hợp tác Nông nghiệp Nhật Bản - Việt Nam”. Gần đây, nhiều nỗ lực đã được thực hiện nhằm tạo ra một môi trường giúp các doanh nghiệp Nhật Bản dễ dàng đầu tư kinh doanh vào Việt Nam, cải thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp như cải tạo các công trình thủy lợi đã cũ, hỗ trợ xây dựng các chính sách và chiến lược khuyến nông, đồng thời phát triển nguồn nhân lực bằng cách cử chuyên gia Nhật sang Việt Nam làm việc.
Chiều 17/11, tại Cung quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra hội thảo chuyên đề nông nghiệp tăng trưởng xanh. Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản.
Tham dự hội thảo có ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, ông Maitachi Shoji - Nghị sĩ Thượng viện, Thứ trưởng chuyên trách Bộ Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản.
Theo Nông nghiệp Việt Nam